VĐHN: Bảo tồn phải cân bằng với an sinh xã hội

(VOH) - Những ngày qua, người dân cả nước rất quan tâm đến nỗi lòng của người dân làng cổ Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội làm đơn kiến nghị xin được trả lại danh hiệu di tích lịch sử cấp quốc gia. Chuyện lạ, ai đời biết bao công giữ gìn, tôn tạo, chứng minh, đề nghị mới được chứng nhận là di tích mà sau gần 10 năm được công nhận thì lại từ chối.
Làng cổ Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội (ảnh: ktdt)

Tò mò nên chúng tôi cũng cố gắng tìm về nơi này một lần để tìm hiểu thực hư mới vỡ lẽ, người ta xin trả lại là có lý do. Không nằm ngoài những lời quảng bá, ngôi làng cổ hiện ra đẹp như trong tranh vẽ, đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ, đường vào khang trang sạch sẽ, cổng làng có một gốc đa to dễ có đến vài trăm năm. Nhìn ngôi làng đẹp như trong truyện cổ tích ấy thật bõ công vượt hơn 50 cây số trong tiết trời nắng chói chang. Nhưng những câu chuyện mà người dân làng chia sẻ mới đáng để suy ngẫm. Những cụ ông trong làng cho biết, sở dĩ họ phải đệ đơn trả lại danh hiệu di tích là bởi khi đã được công nhận thì việc sửa chữa lớn nhỏ đều phải xin phép, mà xin cũng chẳng được cho. Một ngôi nhà cổ có đến gần 100 năm ngày xưa vừa đủ cho một gia đình sinh sống thì nay phát sinh ra đến tam thậm chí là tứ đại đồng đường, chật chội, chen chúc thậm chí còn không được xây khu vệ sinh đàng hoàng nhằm bảo vệ môi trường. Túng quá, hóa liều có nhà lẳng lặng xây tạm một bức ngăn trong nhà, phần bên ngoài vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi chút ít bên trong cho con cái có chỗ tụ họp về vào dịp cúng giỗ hay lễ tết. Khi bị phát hiện thì chính quyền đề nghị đập đi trả về nguyên trạng, trong khi người dân khăng khăng cho rằng điều đó cũng không ảnh hưởng gì mấy đến thẩm mỹ của ngôi nhà. Bên cạnh đó, một số ngôi nhà quá cũ phải tôn tạo lại nhưng người dân cho biết, họ phải nghỉ việc 3-4 tháng để ở nhà giúp việc sửa nhà, được thông tin về số tiền Nhà nước bỏ ra tôn tạo chứ không được tham gia vào quá trình lựa chọn vật liệu, trong khi chính họ hiểu rõ từng ngóc ngách trong căn nhà mình. Sự thay thế tùy tiện khiến cho ngôi nhà dần mất đi tính chân xác của nó và các nguyên vật liệu cũng rất mập mờ về giá trị.



Một con số điều tra tình trạng mức sống ở khu phố cổ Hà Nội, nơi cũng được đặt ra vấn đề bảo tồn từ nhiều năm qua. Trong số 102 gia đình được điều tra thì chỉ có 44 gia đình có nhà vệ sinh riêng, 42 gia đình phải dùng chung nhà tắm, và chỉ có 83 gia đình có bếp riêng. Cơ cực là vậy nhưng tại sao họ vẫn kiên quyết bám trụ, bởi nơi đây là chốn mưu sinh của biết bao con người, tất đất, tất vàng. Vận động người dân tham gia bảo tồn mà không chú trọng đến việc cải thiện điều kiện sống của người dân thì quả thật còn khó hơn lên trời. Đây cũng chính là nút thắt của dân làng Đường Lâm, hậu quả của việc bảo tồn nhưng chưa gắn với cân bằng an sinh xã hội. Chính quyền địa phương buộc phải làm đúng chức trách khi có hành vi vi phạm Luật Di sản và cũng nhiều lần kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho người dân nhưng chưa được giải quyết thấu đáo. Khi chúng tôi đề nghị được tiếp xúc, lãnh đạo địa phương từ chối gặp, còn các cụ cao tuổi trong làng thì nhắn gửi rằng, danh hiệu làng cổ là sự tự hào của người làng, chẳng ai muốn trả, nhưng khó quá thì đành phải làm liều.


Nhìn lại kinh nghiệm của di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, năm 2006, phổ cổ Hội An đã ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích, đây chính là công cụ bảo tồn di sản đô thị hữu ích và mang tính khả thi. Để giảm sự tác động biến dạng phố cổ, chính quyền thị xã Hội An đã giãn dân phố cổ ra nơi khác sinh sống. Một số trường hợp còn tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định. Công nhận sự song tồn của hai nhân tố cơ bản: Di sản kiến trúc và nhu cầu tiếp tục sống của dân cư và tiếp tục phát triển của đô thị. Chính vì những lý do đó mà công tác bảo tồn và trùng tu di sản ở Hội An đã khắc phục được tình trạng xuống cấp và nâng cấp diện mạo chung như hiện nay.

Sự việc ở Đường Lâm rồi sẽ được giải quyết - theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị hôm 21/5 vừa qua. Nhưng dù có thế nào đi nữa cũng phải xem đây là một bài học quý giá trong quá trình bảo tồn di tích.