VĐHN: Bảo vệ tính mạng của trẻ em là trách nhiệm của người lớn

(VOH) - Gấn đây, ở nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn rất thương tâm đối với trẻ em. Ngày 18/04 vừa qua, 8 em học sinh ở huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận sau giờ tan học đã rủ nhau đi tắm sông, chẳng may 6 em trong số đó đã bị chết đuối khi cố gắng cứu một bạn vô tình xảy chân xuống dòng nước sâu. Cũng trong ngày 18/04, hai học sinh lớp 4 ở huyện Vũ Quang- tỉnh Hà Tĩnh cũng bị chết đuối khi đi tắm sông. Trước đó, vào ngày 16/04, một vụ nổ đầu đạn tại xảy ra tại xã Thuận An, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông làm 2 học sinh tử vong tại chỗ, 6 em khác bị thương nặng. Nguyên nhân do các em học sinh trong lúc dạo chơi đã vô tình đào được quả đạn rồi nghịch phá khiến đầu đạn phát nổ. Những vụ việc trên xảy ra hết sức đau lòng, nhưng suy cho cùng, lỗi có phải do các em?

 
Đông đảo người dân đến dự đám tang các em học sinh bị chết đuối ở thôn La Chữ, xã Phước Hữu,
huyện Ninh Phước - Ninh Thuận Ảnh:
NLĐ

Dân gian vẫn có câu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Đối với các em tuổi học sinh đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Thế giới chung quanh các em mọi thứ đều mới lạ và theo bản năng các em luôn thích tìm tòi, khám phá. Nhưng cái gì có thể gây nguy hiểm, cái gì không thì người lớn phải có trách nhiệm chỉ dạy cho các em. Cha mẹ không phải lúc nào cũng có thể theo sát để bảo vệ con em mình. Nhà trường thì cũng chỉ chú trọng dạy chữ cho học sinh, còn các kỹ năng mềm để các em ứng phó trước các tình huống nguy hiểm thì còn rất hạn chế, nhất ở các vùng nông thôn. Thế giới của trẻ em chỉ quanh quẩn từ nhà đến trường, nếu không được người lớn chỉ dạy thì làm sao các em nhận biết hết những mối nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân mình? Vì vậy, trong mỗi gia đình, những người làm cha mẹ cần phải thường xuyên nhắc nhở, căn dặn con em tránh xa những mối nguy hiểm, và cần thiết nên có danh mục những mối nguy hiểm để cảnh báo các em học sinh ngay trên ghế nhà trường. Việc giáo dục này phải sát với hoàn cảnh sống ở từng địa phương. Ví dụ như trẻ sống ở gần đường giao thông thì cần được học cách đi lại sao cho an toàn tránh tai nạn giao thông. Trẻ sống ở khu vực nhiều sông ngòi kênh rạch thì cần được tập huấn kỹ năng bơi lội và kỹ năng nhận biết những mối nguy hiểm từ sông nước. Ở những địa phương còn sót lại nhiều bom mìn đạn pháo trong chiến tranh thì phải căn dặn trẻ không được chơi đùa với những vật thể lạ vô tình bắt được mà phải báo ngay cho người lớn.

Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Chắc chắn hậu quả của những tai nạn thương tâm xảy đến với trẻ là nằm ngoài tầm nhận biết của các em. Vì vậy, khi các em chưa thể tự bảo vệ mình trước các mối nguy hiểm thì trách nhiệm này thuộc về người lớn.

Trẻ em không chỉ là niềm hy vọng của cha mẹ mà còn là tương lai của xã hội và đất nước. Làm tốt việc cảnh báo các mối nguy hiểm đối với trẻ chính là bảo vệ tính mạng của trẻ em. Thiết nghĩ đây là điều mà gia đình, nhà trường cũng như các cấp chính quyền địa phương cần chú trọng./.