VĐHN: Bất lực với trẻ nghiện game?

(VOH) - Hai trường hợp trẻ bị chính người thân của mình làm nhục vì nghiện gameonline liên tiếp được đưa lên mạng truyền thông cho thấy mức độ ngày càng nghiêm trọng của hiện tượng này.

Đó là hai anh em bị chính cha ruột của mình buộc phải bò từ tiệm game về nhà. Một đứa trẻ 13 tuổi bị người chú đeo bảng trên cổ với dòng chữ “Tôi là đứa ăn cắp” đứng giữa phố thị đông người do em này luôn tìm mọi cách để có tiền chơi game và mua các món đồ chơi trên game. Đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh hình thức phạt kiểu thời “trung cổ” này. Người lên án, kẻ đồng tình và ngay chính người trong cuộc cũng đau đớn thừa nhận rằng mình làm như thế là “mang tiếng ác với con trẻ” nhưng đã hết cách rồi.

Bản thân người viết bài này cũng đang sinh sống đối diện với một tiệm game, chứng kiến hầu như mỗi ngày phụ huynh lùng sục khắp nơi tìm con. Nhẹ thì kéo về nhà, la mắng với nhiều mức độ, ngôn từ khác nhau. Nặng thì thẳng tay trừng trị ngay tại chỗ.Nhưng trớ trêu thay cũng chính đứa trẻ đó, chẳng bao lâu sau lại thấy xuất hiện, đờ đẫn chăm chú vào màn hình vi tính quên hết mọi sự trên đời, quên cả trận đòn roi đến tóe máu vừa diễn ra cách đó vài giờ…Và cứ thế, nhịp điệu đó diễn ra đều đặn hàng ngày đến mức ngay cả những kẻ hiếu kỳ nhất cũng chẳng buồn dừng lại xem chuyện ầm ĩ gì đang diễn ra bên trong và chủ tiệm game vẫn cứ bàng quan xem như chẳng có chuyện gì xảy ra, miễn sao sau khi xong màn dạy dỗ, việc thanh toán cứ sòng phẳng cho họ là được.

Sẽ là thừa khi đề cập đến những hệ lụy từ game tác động đến trẻ em như thế nào. Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ biểu hiện sự bất lực của mình trong cuộc chiến đấu giành giật lại con trở về nếp sinh hoạt thường ngày. Đã có nhiều tổ chức xã hội đồng hành cùng phụ huynh “tẩy độc”, loại bỏ những ám ảnh từ game cho trẻ. Nhưng có bao nhiêu người có điều kiện về tài chính cũng như thời gian để tham gia vào chương trình? Hiện đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế những tác hại từ game chủ yếu nhằm vào doanh nghiệp và người kinh doanh trò chơi trực tuyến…nhưng dường như hiệu quả chưa cao. Trò chơi trực tuyến vẫn đang tiếp tục thu nhận thêm nhiều tín đồ mới với tuổi đời ngày càng trẻ hơn. Điều đáng báo động là hiện nay, không cần thiết phải thuê mướn địa điểm ngay mặt tiền đường, các tiệm game đang chen nhau mọc lên, len lỏi vào mọi ngóc ngách trong các con hẻm nhỏ. Người ta kinh doanh ngay tại nhà- nơi có những đứa trẻ chỉ mới từ 6-7 tuổi có thể dùng món tiền quà vặt nhỏ nhoi của mình để khám phá những điều mới lạ trong game mà không cần đi đâu xa.

Trở lại câu chuyện những đứa trẻ bị người thân hạ nhục vì trót trở thành người nghiện game. Mặc dù, người trong cuộc chấp nhận bị XH lên án và biện minh cho hành động của mình là “vì con”, không muốn con mình mê mệt vì game, tập trung học hành… Nhưng với bất kỳ lý do, mục đích gì thì đó vẫn là hành động vi phạm luật và quyền trẻ em một cách nghiêm trọng. Nhưng thật đáng lo ngại, thay vì phản bác, thì hành động trên lại nhận được không ít sự cảm thông, đồng tình bởi nhiều người đồng cảnh ngộ. Sẽ có bao nhiêu phụ huynh đang rơi vào cảnh bế tắc khi có con nghiện trò chơi trực tuyến sẽ bắt chước lối hành xử trên hòng khơi gợi lại lòng tự trọng nơi con trẻ. Đó sẽ là tiền lệ xấu nếu các ban ngành có chức năng không mạnh tay ngăn chặn ngay từ lúc nó còn manh mún, giúp bảo vệ những tâm hồn non nớt, không có khả năng tự vệ trước ma lực của game. Chúng ta đã hành động, nhưng phải kiên quyết hơn, triệt để hơn nữa. Hiện các nhà quản lý vẫn mãi loay hoay giải bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh tế và những tác động xấu của nó đến XH, nên các biện pháp đưa ra đều khó thực hiện một cách có hiệu quả. Trong bối cảnh tại TPHCM, người người nhà nhà có trang bị máy vi tính nối mạng có nhất thiết cho phép tồn tại loại hình kinh doanh trò chơi trực tuyến nhỏ lẻ khắp nơi như hiện nay không? Nói không ngoa rằng, có đến 99% người tìm đến dịch vụ vi tính chỉ để chơi game mà đa phần là thanh thiếu niên. Đã đến lúc cần phải thu hẹp phạm vi và số lượng người kinh doanh trò chơi trực tuyến thay vì chỉ giới hạn giờ chơi như hiện nay. Khoanh vùng những khu vực, địa điểm được phép kinh doanh. Đồng thời nhà nước nên tăng mức thuế đối với loại hình này…

Hơn ai hết, những người làm cha làm mẹ mong lắm ngành chức năng cũng như các tổ chức XH song hành cùng họ, hướng các em đến với những hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích, đưa các em trở về cuộc sống thực. Đừng để trẻ phí hoài tuổi thơ hồn nhiên của mình vào cuộc sống ảo trên game.