VĐHN: Bóng đá Việt Nam- Chuyên nghiệp nửa vời

(VOH) - Bóng đá Việt Nam đang đi những bước lùi. Có thể thấy rõ điều này qua thất bại ở SEA Games 26 và tại AFF cup 2012 vừa qua. Đó là ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Trên bình diện các giải đấu cao nhất của bóng đá nước nhà, vẫn còn đó ngồn ngộn những vấn đề bất cập và đầy tính nghiệp dư, dù V-League đã mang danh chuyên nghiệp và từng được xem như giải đấu hấp dẫn nhất khu vực.
Các cầu thủ VN thất vọng rời AFF Cup 2012 ngay từ vòng bảng. Ảnh: VSI.

Cuộc họp hội đồng quản trị Cty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF tại TP.HCM cuối tuần trước đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng ở mùa giải 2013, như thêm một minh chứng nữa cho nhận định bóng đá nước nhà đang đi thụt lùi. Theo đó, Cty VPF quyết định bổ sung đội U22 Việt Nam vào danh sách tham dự V-League, và ở mùa giải tới, ở giải hạng Nhất và hạng nhì sẽ không có CLB nào phải xuống hạng. Đây là một quyết định khá bất ngờ của VPF. Đề xuất này sẽ được trình lên Tổng cục TDTT phê duyệt trong vài ngày tới để kịp tiến hành lễ bốc thăm cho mùa giải mới.

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, V-League vẫn sẽ khai diễn mà không phải tạm hoãn hay bỏ giải như những lo lắng ban đầu, song từ một giải đấu được gọi tên là chuyên nghiệp, thậm chí là ngoại hạng, giờ lại sắp biến thành một giải đấu không biết phải gọi tên là gì mới chính xác: giải phong trào, bán chuyên nghiệp, quá độ chuyên nghiệp hay chuyên nghiệp nửa vời...? Chua xót thay, đó không phải là bước lùi hay sao?



Theo thống nhất của VPF, V-League 2013 có sự tham dự của 12 đội bóng, thi đấu theo thể thức vòng tròn hai lượt và sẽ không có đội phải xuống hạng. Do Navibank Sài Gòn và CLB bóng đá Hà Nội bỏ giải không tham dự được xác định từ trước, nên 11 CLB chuyên nghiệp chốt danh sách đăng ký tham dự mùa bóng mới là những cái tên quen thuộc như Hoàng Anh Gia Lai, Sài Gòn Xuân Thành, Đồng Tâm Long An, Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội T&T, Ninh Bình, Kiên Giang, Thanh Hoá và Hải Phòng. Còn chân dung đội bóng thứ 12? Không có cái tên nào đủ điều kiện, nên VPF đề ra giải pháp đưa U22 Việt Nam vào cho chẵn số lượng 12 đội. Chính việc này cũng thể hiện rõ tính nghiệp dư của giải đấu từng được xem là hay nhất Đông Nam Á. Trong bối cảnh hiện nay, ý tưởng này đáng được trân trọng, bởi đội tuyển U22 quốc gia được trao cơ hội trận mạc nhiều hơn, nhằm có sự chuẩn bị tốt cho SEA Games 2013. Nhưng điều này cũng lại thêm một minh chứng về sự lúng túng, bị động của Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF trong việc tìm đối tượng cọ xát cho các đội tuyển quốc gia. Gần một năm trời, phương án tập huấn, thử sức để giúp U22 quốc gia hoàn thiện lẽ nào không tìm được, sao phải mượn giải đấu chuyên nghiệp để phục vụ một chiến dịch ao làng như SEA Games? Một giải chuyên nghiệp nhưng không có đội rớt hạng thì lấy đâu ra động lực để các đội thi đấu, bởi ngoài đội vô địch, những thứ hạng còn lại có gì khác nhau? Và liệu ai dám chắc rằng sẽ không có tiêu cực xảy ra.


Đó là chưa kể, bản thân các CLB chuyên nghiệp của VN vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn những khả năng xấu dẫn đến xóa tên, thậm chí có ông chủ CLB chỉ ít ngày trước khi chốt danh sách còn tuyên bố chia tay giải. Đại gia mới nổi như Sài Gòn Xuân Thành vẫn còn đang nợ lương cầu thủ và chỉ mới tìm được một nửa nguồn kinh phí cho mùa giải mới. Cách đây vài ngày, việc chuyển giao suất thi đấu V-League 2013 của Khatoco Khánh Hòa về Vicem Hải Phòng đã hoàn tất. Với nhiều cổ động viên Hải Phòng, đây được xem là một tin vui. Tuy nhiên, các CĐV phố biển Nha Trang thì thật sự bất ngờ và hụt hẫng. Các cầu thủ và BHL của Khatoco Khánh Hòa tỏ ra hết sức thất vọng, bởi họ gần như không biết được thông tin gì về cuộc chuyển giao này. Và không hiểu với tâm trạng như thế, một khi chuyển về Hải Phòng, họ sẽ thi đấu với tinh thần và phong độ như thế nào? Rõ thật là những chuyện dường như chỉ có ở bóng đá VN.

Trong khi đó, Giải hạng Nhất sẽ là cuộc đua của 10 đội bóng, thi đấu vòng tròn hai lượt và cũng không có đội phải xuống hạng, riêng đội vô địch sẽ được thăng hạng lên thi đấu ở V-League mùa giải kế tiếp. Ở mặt trận này, khoan hãy bàn đến chuyện không xuống hạng, nhưng việc lên hạng thì chắc chắn sẽ còn là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại. Chỉ cần dẫn chứng trường hợp đội trẻ Hà Nội của bầu Hiển là đủ, dù giành vé thăng hạng nhưng trẻ Hà Nội lại phải xin xuống chơi ở giải hạng Nhất vì vướng qui định một ông chủ không thể có hai đội bóng thi đấu cùng một giải- trong khi rao bán suất thăng hạng thì chẳng ai mua.


12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, với hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư, thậm chí là nhiều hơn cùng với bao nhiêu là kỳ vọng, bóng đá nước nhà lẽ ra đã có thể nghĩ đến chuyện xây dựng được những nền tảng căn bản, kéo khán giả đến sân đông hơn, và thu lợi nhuận. Thế nhưng, mọi chuyện càng lúc càng tệ hại hơn và chệch ra khỏi quỹ đạo từ lúc nào, e rằng ngay cả VFF và VPF cũng không biết. Người hâm mộ thì phải nhận toàn trái đắng và đầy những bức xúc. Không còn nghi ngờ gì nữa, nền bóng đá nước nhà đang từng bước đi lùi. Nhiều cầu thủ đang thời đỉnh cao thậm chí tính chuyện giải nghệ. Những người tâm huyết với trái bóng tròn thì đang mệt mỏi và rã rời. Liệu đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới giã từ tính chuyên nghiệp nửa vời? Câu trả lời thật là khó và chắc hẳn là còn xa vời lắm.