VĐHN: Đồng hành Tháng Công nhân

(VOH) - Tháng 5/2009, cùng với các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, Liên đoàn Lao động thành phố phát động “Tháng Công nhân” lần thứ 1 kéo dài từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/5.

Tháng Công nhân có nhiều chương trình thiết thực vì đời sống và việc làm của người lao động như: chương trình gặp gỡ đối thoại, chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, chương trình cùng công nhân vượt khó và chương trình giờ thứ 9. Tất cả các chương trình này phải được thực hiện xuyên suốt từ cấp cơ sở cho đến Công đoàn cấp trên.

Chương trình gặp gỡ đối thoại là một điểm nhấn trong Tháng Công nhân. Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên phải tổ chức cuộc đối thoại, gặp gỡ giữa lãnh đạo doanh nghiệp và công nhân để hai bên thấu hiểu nhau, kịp thời giải quyết thỏa đáng những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị hay những bức xúc của người lao động liên quan đến công việc. Còn chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp là chương trình tuyên dương những doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống việc làm của người lao động, duy trì tốt sự phát triển theo hướng ngày một đi lên, ổn định được việc làm cho người lao động và hoàn thành tốt các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Riêng chương trình Cùng công nhân vượt khó là chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ công nhân viên chức lao động, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà mạnh thường quân, vì đây là chương trình chia sẻ khó khăn với những trường hợp công nhân viên chức lao động bị ốm đau, bệnh tật, công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống và khó khăn về nhà ở. 

Ngoài chăm lo về vật chất, chương trình Giờ thứ 9 là chương trình được thực hiện trong Tháng Công nhân để chăm lo về mặt tinh thần cho người lao động thông qua việc tổ chức hội thao, hội diễn văn hóa văn nghệ, tư vấn pháp luật, chăm sóc sức khỏe… sau giờ làm việc. Dù lần đầu tiên thực hiện nhưng các chương trình đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, đơn vị, hàng chục ngàn công nhân lao động hưởng ứng.


CNVC-LĐ thi kéo co tại hội thao do LĐLĐ quận 3, TPHCM tổ chức - Ảnh: NLĐ.

Từ kết quả của Tháng Công nhân lần thứ nhất, tổ chức Công đoàn thành phố tiếp tục phát động Tháng Công nhân lần 2, lần thứ 3, lần 4, lần 5 ở những năm tiếp theo và đến tháng 5/2014 là Tháng Công nhân lần thứ 6. 

Tùy theo đặc thù của từng năm mà nội dung của Tháng Công nhân sẽ có những chương trình khác nhau nhưng tất cả cũng không nằm ngoài ý nghĩa là đồng hành vì đời sống và việc làm của người lao động. Có thể kế như Tháng Công nhân lần thứ 3 có thêm chương trình Bàn tay vàng nhằm tôn vinh những người thợ giỏi, người công nhân tài hoa, nỗ lực học tập, rèn nghề, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa -hiện đại hóa. Hay như Tháng Công nhân lần thứ 5 năm 2013 thì có thêm chương trình Trái tim nghĩa tình. Đây là chương trình vận động sự đóng góp của công nhân lao động, của doanh nghiệp, của Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp và của các nhà mạnh thường quân để gây quỹ hỗ trợ mổ

 tim miễn phí cho công nhân mắc bệnh tim. Và trong Tháng Công nhân lần thứ 6 năm 2014 này thì nét mới là tập trung tổ chức cho doanh nghiệp đối thoại với lãnh đạo, chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì tốt việc làm cho người lao động, quan tâm xây dựng lực lượng chính trị trong doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn tập trung bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng những công nhân trực tiếp sản xuất có thành tích lao động nổi bật, tích cực tham gia phong trào và có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Một trong những tín hiệu đáng mừng đó là cứ sau một lần phát động, số lượng Công đoàn cơ sở đăng ký thực hiện Tháng Công nhân nhiều hơn, tỷ lệ doanh nghiệp quan tâm chăm lo đến người lao động nhiều hơn, sự đóng góp để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn cũng nhiều hơn. Có thể điển hình như Tháng Công nhân lần 5/2013, có trên 3.000 cuộc gặp gỡ đối thoại được tổ chức, trên 1.000 chủ doanh nghiệp và cán bộ Công đoàn được tuyên dương điển hình vì có những hoạt động chăm lo tốt đời sống người lao động, hơn 38.000 công nhân viên chức lao động được hỗ trợ khó khăn, 3.500 chương trình văn hóa văn nghệ được tổ chức phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động và tổ chức 5.200 hội thi tay nghề với 36.253 công nhân lao động được nâng bậc, nâng lương. Như vậy, nội dung của Tháng Công nhân luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động và phù hợp với tình hình thực tiễn, ngày càng đi sâu, đi sát vào đời sống, việc làm của người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lao động ngày càng vững mạnh.

Cũng từ sáng kiến của tổ chức Công đoàn thành phố mà từ tháng 5/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định chọn Tháng Công nhân trở thành hoạt động thường niên, với mục tiêu chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Và từ quyết định này, Tháng Công nhân đã được tổ chức nhân rộng trên khắp các tỉnh,  thành cả nước với nhiều nội dung và hình thức phong phú, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ công nhân lao động.

Có thể nói, người công nhân lao động đã cảm thấy rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm từ cấp Trung ương cho đến cơ sở vì hằng năm không chỉ có Ngày quốc tế lao động 1/5 mà còn có cả một Tháng Công nhân. Người lao động trên khắp cả nước cũng cảm thấy tự hào hơn khi có sự đồng hành từ cấp Trung ương cho tới cơ sở vì đời sống và việc làm của mình. Đây chính là cơ sở để họ càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vững tin vào tổ chức Công đoàn, ra sức nỗ lực học tập, lao động để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập để cùng phát triển.