VĐHN: Du lịch Ninh Thuận - Loay hoay ở vạch xuất phát

(VOH) - Với xuất phát điểm chậm, thời gian qua du lịch Ninh Thuận luôn đi sau các địa phương trong khu vực.

Thời gian qua, du lịch là một trong những lĩnh vực được nhiều địa phương xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với những chiến lược phát triển cụ thể tùy thuộc vào mỗi giai đoạn khác nhau. Lộ trình phù hợp sẽ giúp cho ngành côngq nghiệp không khói từng bước tăng tốc và có những đóng góp nhất định vào nguồn GDP của mỗi tỉnh.

Ở khu vực Nam Trung bộ, Khánh Hòa và Bình Thuận là 2 địa phương điển hình đã thành công trong việc xây dựng thành phố du lịch vệ tinh Nha Trang, Phan Thiết. Từ 2 thành phố này, đến nay, khai thác du lịch đã mở rộng ra nhiều huyện/thành phố khác như Cam Ranh, Diên Khánh, Hàm Thuận Nam, La Gi, Tuy Phong… Nằm giữa Khánh Hòa - Bình Thuận, gần đây, Ninh Thuận được các đơn vị lữ hành đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, với xuất phát điểm chậm, tiềm lực kinh tế thấp nên vấn đề phát triển du lịch đến nay vẫn loay hoay ở vạch xuất phát.

Nói đến du lịch ở vùng đất Ninh Thuận, nhiều người nghĩ ngay đến những quần thể kiến trúc Chăm với các đền tháp cổ kính hằn rõ vết thời gian, cùng với đó là những lễ hội, văn hóa đặc trưng. Sức hút của du lịch Ninh Thuận hàng chục năm qua vẫn không có gì mới đối với du khách ngoài Tháp Pô Klong Garai - di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc đặc trưng của vùng đất Chămpa và làng gốm Bàu Trúc - làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn hiện hữu, duy trì cho đến ngày hôm nay.

Khu di tích tháp Pô Klong Garai - Ảnh: Duy Anh (BaoNinhThuan).

Tuy nhiên đối với du lịch, việc đầu tư làm mới sản phẩm sẽ là yếu tố đặc biệt tạo điểm nhấn để thu hút du khách, còn ngược lại rất khó lòng mời gọi bước chân du khách. Ông Vũ Tường Thái Bảo, Giám đốc Công ty du lịch Đất Tây Đô cho biết: là đơn vị khai thác điểm đến ở Ninh Thuận gần 10 năm nay, nhưng nhìn chung các dịch vụ ở đây vẫn chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển. Trong những dịp đặc biệt như lễ hội lớn, chất lượng dịch vụ phòng ốc luôn bị quá tải, ít nhiều cũng gây ra những khó khăn cho các đơn vị lữ hành: "Đối với sản phẩm du lịch ở Ninh Thuận, mười mấy năm không phát triển, vẫn những sản phẩm cũ. Dịch vụ trước đây cũng như bây giờ tương đối với một lượng khách nhất định thôi. Nếu du khách tập trung đến Ninh Thuận trong những dịp lễ hội Kate, Festival thường sẽ kín phòng. Rõ ràng, đây là một khó khăn. Nếu muốn tăng nguồn thu thì phải đầu tư hạ tầng nhiều hơn nữa. Thứ hai nữa là đến với Ninh Thuận, ngoài khám phá vui chơi cần phải có thêm nhiều dịch vụ  hơn nữa, du khách được hưởng thêm ngoài những điều sẵn có như tắm biển, ăn hải sản. Phải đa dạng như thế thì du khách mới có cảm nhận và giới thiệu với bạn bè đến với vùng đất này".

Gần đây, người ta đã biết đến ở Ninh Thuận còn có du lịch biển. Gần 2.800 tỷ đồng được dùng để đầu tư xây dựng cung đường dài trên 100km chạy dọc ven biển, nối liền giữa Bình Tiền với Cà Ná. Chính tuyến đường này đã đánh thức tiềm năng du lịch biển ở đây với nhiều vịnh và bãi biển trong xanh tuyệt đẹp, hứa hẹn sẽ thu hút số lượng lớn du khách. Thế nhưng, trong một cuộc hội thảo giữa ngành du lịch Ninh Thuận với các đơn vị lữ hành đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng: thông tin về du lịch biển ở Ninh Thuận vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi, nguyên nhân nằm ở công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn còn yếu. Ông Phạm Đức Hòa, Phó giám đốc Khối du lịch Nội địa, Công ty du lịch Sài Gòn Tourisrt lưu ý: "Tiềm năng du lịch Ninh Thuận có nhiều nhưng để khai thác tốt thì giữa Sở và Hiệp hội du lịch tỉnh cần ngồi lại với nhau để bàn tính một phương án, đặc biệt là đưa thông tin cho các hãng lữ hành. Hiện tại Ninh Thuận còn thiếu điều này chứ tiềm năng du lịch, cảnh quan rất thích hợp cho các hãng lữ hành để đưa khách tới. Ninh Thuận cũng rất phù hợp để khai thác du lịch biển, nhưng không phải cứ có biển là khai thác được mà cần có sự đầu tư từ con người cho đến vật chất. Giờ ra biển chỉ để tắm biển không thôi thì giống với Nha Trang, Vũng Tàu, cho nên ở Ninh Thuận cần một sự đầu tư khác, có thể là sinh thái biển".

Ông Trần Lê Bảo Châu, Giám đốc Cty du lịch Nam Quốc, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa VN, cho rằng: việc đầu tư tuyến đường du lịch ven biển góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách đến với Ninh Thuận, nhưng để cạnh tranh với các tỉnh bạn thì ngành du lịch nơi đây còn đòi hỏi nhiều hơn khó khăn hơn. Thêm vào đó, một khó khăn khác nữa là cự ly di chuyển. Thay vì chỉ mất 200km để nghỉ dưỡng ở Phan Thiết, hoặc 400km để đến với Nha Trang cho kỳ nghỉ dài ngày chứ ít có du khách chọn lưu trú ở Ninh Thuận: "Thường khách hàng rất quan tâm đến việc buổi tối thì họ sẽ làm gì. Ngoài việc ban ngày họ đi tham quan đó đây thì buổi tối mình hay vướng việc tư vấn cho du khách làm gì thêm để đỡ nhàm chán. Đó là rào cản lớn nhất. Rào cản thứ hai là cự ly di chuyển từ TPHCM ra khu vực Phan Rang hơn 360km, thay vì họ chỉ di chuyển 200km để đến Phan Thiết hoặc hơn một chút nữa để đến Nha Trang cho kỳ nghỉ dài hơn. Có nghĩa là thời gian lưu trú ngắn nhưng thời gian di chuyển thì quá dài".

Nằm giữa tam giác phát triển mạnh về du lịch Nha Trang - Đà Lạt - Phan Thiết, để thu hút du khách, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, Ninh Thuận cần có chiến lược rõ ràng để từng bước cạnh tranh với các địa phương có thế mạnh về du lịch, nhất là trong việc thu hút lượng khách lưu trú tại đây. Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn, cho biết: việc nằm giữa tam giác du lịch tưởng chừng là bất lợi nhưng nếu biết tận dụng thì đây cũng chính là cơ hội, tiềm năng rất lớn: "Nếu nghĩ kỹ hơn thì đây là một cơ hội và là một thuận lợi rất lớn. Thứ nhất là đã có sẵn người khác thu hút khách lại với mình, thứ hai là các sản phẩm du lịch của Ninh Thuận còn rất hoang sơ. Thêm vào đó, trong tam giác này, du khách đến đâu cũng đi qua Ninh Thuận. Nếu trước đây du khách thường đi luôn thì nay, Ninh Thuận phải làm sao tìm cách kéo du khách lưu trú lại một đêm hay ít hơn là một buổi ăn trưa, như thế đã là thành công rồi".

Theo ông Hồ Sĩ Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Thuận: hiện nay địa phương đang tạo nhiều điều kiện để thu hút các dự án phát triển du lịch, đặc biệt là các dự án ven biển để tương xứng với tiềm năng hiện có, góp phần tạo đà cho các bước đi kế tiếp trong chiến lược đã đề ra: "Trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tình, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách phù hợp để đẩy mạnh vai trò du lịch trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh. Hiện nay, chúng tôi cũng đã có đề án xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp".

Với xuất phát điểm chậm, thời gian qua du lịch Ninh Thuận luôn đi sau các địa phương trong khu vực. Chính vì vậy mà việc thu hút du khách cũng như những đóng góp của ngành công nghiệp không khói này hiện nay không cao. Trong năm 2013, du lịch Ninh Thuận chỉ đạt doanh thu 600 tỷ đồng/năm, chiếm chưa đầy 2% nguồn thu ngân sách của toàn tỉnh. Trong chiến lược phát triển tiếp theo, mục tiêu đặt ra sẽ là 8% trong năm 2015 và 12% trong năm 2030. Để đạt được mục tiêu này không phải là vấn đề đơn giản bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều vào khả năng phát triển ngành du lịch của tỉnh, sự ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp lớn… và quan trọng hơn hết là việc phát triển du lịch theo hướng bền vững, có như thế mới đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.