VĐHN: Đừng để tuyến xe buýt vòng quận 1 “chết yểu”

(VOH) - Tháng 9/2012, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp với UBND quận 1 khai trương tuyến xe buýt vòng quanh quận 1 với mã số tuyến là 35. Đây là tuyến xe buýt có trợ giá với lộ trình hoạt động đi qua các cơ quan hành chính nhà nước, trường học và trung tâm thương mại…nhằm phục vụ hành khách là cán bộ công nhân viên, sinh viên, học sinh và khách du lịch trong khu vực trung tâm thành phố. Được kỳ vọng rất lớn trong việc thu hút người dân đi lại nhằm giảm ùn tắc giao thông, nhưng sau hơn 1 năm hoạt động, đến nay tính hiệu quả của tuyến xe buýt này vẫn còn là một dấu hỏi…

 Tuyến xe buýt quận 1 có mã số 35 với khoảng 160 chuyến/ngày. Điểm đầu tuyến tại công viên 23/9. Ảnh: Việt Triều


Có mặt trên xe buýt 35 vào một buổi sáng giữa tuần, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự đìu hiu, vắng vẻ của tuyến xe này so với các tuyến khác. Trên đoạn đường hơn 10km tính từ bến xe buýt công viên 23/9 đến bến đường Hoàng Sa, tổng cộng xe chỉ rước được 16 lượt hành khách, trong khi theo thiết kế xe có thể chở được đến 40 người. Những trạm đón được đông khách nhất là ga hành khách xe buýt Bến Thành và trước cổng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Còn lại những trạm khác đều rất hiếm người đón xe, có khi xe chạy lòng vòng qua nhiều tuyến đường dài khoảng 3, 4km nhưng không bắt thêm được hành khách nào. Trên lộ trình ngược lại, từ đường Hoàng Sa đến bến xe buýt công viên 23/9 cũng không khá hơn là mấy. Theo ghi nhận của chúng tôi, xe 35 chạy êm ái, thoáng mát và sạch sẽ, nhân viên lịch sự, ân cần. Trên lộ trình xe chạy, khi sắp đến trạm dừng đều có thông báo nhắc nhở trên loa. Nếu so với mặt bằng chung thì đây là một tuyến xe hiện đại, văn minh và có chất lượng phục vụ rất tốt. Ngoài ra xe còn có trạm dừng ở các địa điểm nổi tiếng của trung tâm thành phố như Thương xá Tax, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm thương mại Vincom, Kumho Plaza v.v.Vậy nguyên nhân do đâu mà xe 35 lại kém thu hút người dân đến như vậy?

Trao đổi với những hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt, nhiều người cho biết xe buýt vòng quanh quận 1 có một điểm hạn chế là chạy lòng vòng, rất mất thời gian. Đơn cử như nếu đi từ ga hành khách Bến Thành đến trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, xe phải mất đến gần 20 phút, trong khi các xe khác chỉ mất khoảng 10 phút. Tổng cộng lộ trình 10,2 km xe chạy từ 40 - 45 phút. Việc chạy vòng quanh như vậy có thể thích hợp cho du khách nhưng lại bất tiện cho đối tượng học sinh, sinh viên và công nhân viên chức. Chính vì vậy mà nhiều hành khách đã chọn các tuyến xe khác để di chuyển. Một điểm bất lợi nữa là việc tuyên truyền về tuyến số 1 vẫn chưa sâu rộng đến nhiều người dân, nên phần nhiều hành khách vẫn chưa biết đến tuyến này. Trong khi đó, lượt đi lại không phải bắt đầu từ ga hành khách xe buýt Sài Gòn - là nơi tập trung hầu hết các tuyến trọng điểm - mà lại ở ngay góc Phạm Ngũ Lão, bên hông chợ Thái Bình (trong công viên 23/9), khiến cho nhiều hành khách phải rất vất vả để tìm kiếm địa điểm xuất phát lượt đi.

Có thể thấy, khu vực trung tâm thành phố luôn có lưu lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng rất lớn, thế nhưng tuyến buýt 35 lại không thể tận dụng được hết công suất của mình. Do đó, để thay đổi tình trạng thưa vắng như hiện nay, thiết nghĩ cần có sự điều chỉnh về lộ trình xe chạy. Thực tế cho thấy du khách nước ngoài đến thành phố thường không chọn xe buýt để đi tham quan, vì vậy nên chăng cần tập trung vào phục vụ đối tượng thường xuyên, đông đảo của xe buýt là học sinh, sinh viên và người dân lao động có nhu cầu di chuyển trong trung tâm quận 1. Theo đó, cự ly tuyến được rút ngắn lại, giảm bớt các trạm dừng, tiết kiệm thời gian di chuyển thì chắc chắn sẽ thu hút người dân hơn. Ngoài ra, các cơ quan công sở trên địa bàn quận 1 cũng cần vận động sâu rộng hơn nữa trong đội ngũ công nhân viên chức. Vì hiện nay, số lượng cán bộ, viên chức sử dụng xe buýt 35 đi làm vẫn còn rất ít, không tương xứng với kỳ vọng ban đầu mà UBND quận đã đề ra.

Tuyến xe buýt vòng quận 1 từ lúc có ý tưởng đến khi chính thức đi vào hoạt động chỉ mất vài tháng. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm của chính quyền địa phương muốn tạo thuận lợi cho người dân và kéo giảm tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, lượng hành khách đang giảm dần, và nếu không có trợ giá thì tuyến xe này sẽ khó trụ nổi. Bên cạnh đó, sự lãng phí trong đầu tư là điều thấy rõ, trong khi hiệu quả lại quá thấp. Đó là điều đáng tiếc cho một tuyến xe hiện đại, văn minh và đầy tiềm năng của thành phố. Vì vậy, mong rằng các cơ quan quản lý sẽ có động thái tích cực hơn nữa trong thời gian tới, để tuyến xe buýt mang nhiều ý nghĩa thiết thực này sẽ không “chết yểu” chỉ vì những nguyên nhân có thể giải quyết được!