VĐHN: Đừng học sự an toàn qua tai nạn

(VOH) - Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ vừa được phát động từ ngày 16 đến ngày 23/3 với chủ đề của Tuần lễ năm nay chính là “Suy nghĩ và Hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Ban chỉ đạo đã nhấn mạnh rằng một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu nói trên là thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đông đảo người lao động.

Tại sao lại đề ra khẩu hiệu "Suy nghĩ và Hành động" cùng với giải pháp quan trọng là hút được sự quan tâm rộng rãi của xã hội? Đơn giản vì những tai nạn lao động và những vụ cháy nổ thường gây thiệt hại không nhỏ về người và của cũng như kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng trong năm 2013, cả nước đã xảy ra gần 2.700 vụ cháy, nổ làm chết trên 100 người, bị thương gần 200 người, tài sản ước tính gần 1.700 tỷ đồng và hơn 900 hecta rừng. Riêng về tai nạn lao động, năm 2013 xảy ra đến gần 6700 vụ, 627 người chết, hơn 6.000 người bị thương thiệt hại về vật chất 71 tỷ đồng.

TPHCM là một trong 10 địa phương xảy ra nhiều vụ lao động chết người nhiều nhất bởi quy mô phát triển kinh tế cũng như là nơi tập trung nhiều công trình xây dựng, khu chế xuất, khu công nghiệp.

Mổ xẻ nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động hay cháy nổ, phần nhiều vẫn thuộc về nhận thức. Qua phân tích cho thấy, có gần 60% chủ sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động, trang bị thiếu hoặc không trang bị bảo hộ lao động, không xây dựng quy trình làm việc an toàn. 26% nguyên nhân thuộc về người lao động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với quy trình, thiết bị và bảo hộ lao động của chính bản thân mình. Đó là suy nghĩ, còn hành động của chủ lao động và người sử dụng lao động thì sao? Ai đã từng một lần theo chân các đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh lao động phòng, chống cháy nổ thì mới thấy, tại một số công trường xây dựng, rải rác vẫn có công nhân không đeo găng tay, không đội mũ bảo hộ khi làm việc, hay ở những cơ sở gò hàn tư nhân nằm sâu trong khu dân cư, trang thiết bị máy móc cũ kỹ lạc hậu chưa có điều kiện thay thế. Không ít chủ doanh nghiệp khi nghe tin có đoàn thanh tra thì vội vã trang bị hay nhắc nhở công nhân phải tuân thủ quy trình an toàn lao động. 

Mặt khác, phải nhìn nhận một thực tế là công tác thanh kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ hiện nay vẫn còn nhiều bất cập chưa theo kịp với diễn biến quy mô hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay. Lực lượng thanh tra mỏng, cả nước chỉ có khoảng 400 thanh tra an toàn lao động trong khi số lượng doanh nghiệp lên đến vài trăm ngàn thì chỉ như muối bỏ biển. Công tác thanh kiểm tra vẫn thường đi theo lối mòn, đến hẹn lại lên, kiểm tra được báo trước nên doanh nghiệp đối phó hết sức chu đáo đoàn thanh tra “quay gót” thì đâu lại vào đó.


Kiểm tra công tác ATVSLĐ-Phòng chống cháy nổ tại một doanh nghiệp may mặc - Ảnh: CPV.

Câu nói "Đừng học sự an toàn qua tai nạn" hay "Thà mất một phút trong đời hơn mất cả đời trong một phút" ngẫm ra thật chí lý. Trong đời sống xã hội thường nhật có rất nhiều điều được rút ra từ sự vấp váp theo kiểu "Thất bại là mẹ thành công" nhưng với an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ thì tuyệt nhiên tránh gặp phải "mẹ thành công" cho chính bản thân, đơn vị mình. Dẫu biết rằng tư tưởng

"hãy nhìn vào điều đã xảy ra để rút ra những bài học về sau" hoàn toàn không sai nhưng cần nhớ rằng thông thường những bài học như thế trong lĩnh vực an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ thường phải trả cái giá quá lớn. Thiết nghĩ, khẩu hiệu "suy nghĩ và hành động" không chỉ dành riêng cho thủ trưởng các đơn vị, chủ cơ sở sản xuất... mà cần phải được chính người lao động nhận thức và thông suốt. Trong nhiều trường hợp, chính người lao động cũng phải mạnh dạn đề nghị chủ doanh nghiệp trang bị đầy đủ trang thiết bị cho mình hoặc huấn luyện an toàn lao động. Thực tế cho thấy nếu cả 2 phía đều có sự phòng, chống từ trước và tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình an toàn thì những rủi ro và thiệt hại sẽ luôn được giảm đến mức thấp nhất.

Mới đây, Việt Nam đã chính thức gia nhập Công ước 187 - khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động của Tổ chức Lao động quốc tế. Đây chính là sự cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo ra môi trường làm việc an toàn, nâng cao sức khỏe, phòng ngừa tai nạn, bệnh tật cho người lao động trong thời gian tới. Nhưng trước khi tiếp cận được những điều này thì bản thân chủ doanh nghiệp và người sử dụng lao động phải suy nghĩ và hành động vì sự an toàn của chính bản thân mình.