VĐHN: Giảm tai nạn giao thông- phải xem mọi ngày đều là ngày an toàn giao thông

(VOH) - Trong tháng an toàn giao thông với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”, cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, làm chết 761 người và 985 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, thì số vụ tai nạn chưa giảm, nhưng “điểm sáng” mang lại được là việc tuyên truyền để người dân đi lại đúng luật giao thông đường bộ, đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tháng an toàn giao thông, bên cạnh các buổi tuyên truyền tập trung có chủ đề của ban an toàn giao thông đến các cơ quan, trường học, Cty, xí nghiệp…,thì đi bất kỳ nơi đâu cũng dễ dàng nhìn thấy panô, băng rôn…kêu gọi người dân hưởng ứng và tạo nếp văn hóa khi lưu thông trên đường như: không dừng đậu sai quy định, không chạy xe trên vỉa hè, vượt đèn...Cách làm này được đông đảo người dân ủng hộ, vì không ít thì nhiều cũng sẽ nâng cao ý thức được một bộ phận những người tham gia giao thông.

Cụ thể như tại TPHCM- nơi tình hình giao thông phức tạp do thường xuyên xảy ra ùn tắc kẹt xe, đường ngập sau những trận mưa lớn và triều cường, nhưng ba chỉ tiêu trong tháng an toàn giao thông đều đạt được, giảm cả ba mặt: số vụ, số người chết và bị thương. Bên cạnh đó, người dân cũng có ý thức và cư xử có văn hóa hơn trong việc đi lại. Tuy nhiên, dù các mặt đều giảm nhưng số người chết vẫn ở mức cao, vì có đến 65 người thiệt mạng chỉ trong vòng bốn tuần lễ.

Chính vì vậy, để giải bài toán tai nạn trong giao thông và xây dựng văn hóa giao thông ở các đô thị lớn và cả nước, sắp tới phải làm thế nào để mỗi người đi đường phải chấp hành nghiêm luật giao thông, đặc biệt là giới trẻ và học sinh. Cả nước có hơn 22 triệu học sinh- lực lượng sẽ tạo nên văn hóa giao thông trong tương lai. Thêm nữa, thống kê cho thấy tai nạn giao thông ở các đô thị lớn, thanh thiếu niên lại là đối tượng chiếm phần nhiều hơn và có hơn 40% nạn nhân đang ở tuổi lao động.  

Do vậy, song song với biện pháp tăng cường xử phạt đủ sức răn đe, là việc tuyên truyền lâu dài, sâu rộng luật giao thông và những hậu quả của việc đi lại cẩu thả; tránh làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”: phô trương rầm rộ trong 30 ngày, đến khi kết thúc thì việc tuyên truyền sẹp dần như quả bóng “xì hơi”.

Có thể nói, để kéo giảm tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm và trong tương lai thì các địa phương phải quyết liệt trong việc xử phạt, tuần tra...nhưng về căn cơ lâu dài thì công tác tuyên truyền phải được chú trọng hơn nữa và thực hiện xuyên suốt. Vì trên thực thế có năm ngay cả trong tháng an toàn giao thông cả ba chỉ tiêu đều tăng vọt. Điều này cho thấy, nhiều nơi vẫn còn lơ là, chưa thật sự chú trọng đến công tác này. Vì thế, mong rằng các cơ quan chức năng có liên quan và mọi người dân khi ra khỏi nhà đều nghĩ đây là “ngày an toàn giao thông”. Có vậy thì  mỗi năm nước ta, số người bị thương vong trong tai nạn giao thông sẽ giảm đi rất nhiều.