VĐHN: Khó quản lý thức ăn đường phố

(VOH) - Năm nay, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có chủ đề an toàn thực phẩm thức ăn đường phố. Nhắc đến hai chữ đường phố chắc hẳn nhiều người đã hình dung được sự mất an toàn, thiếu vệ sinh của những món ăn, thức uống này.

Dọc theo con đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm kéo dài đến Tôn Đức Thắng có gần chục người bán nước cam, dụng cụ hành nghề đơn giản. Có người mua, người bán nhanh chóng cắt cam, vắt, đổ vào ly nhựa, động tác nhanh gọn và thuần thục. Tuy nhiên, đa số người bán ở đây đều không đeo bao tay ni lông, cam cũng không được rửa sạch, một số còn ngồi ngay miệng cống.

Vỉa hè đường Tôn Đức Thắng là nơi mà những gánh bún riêu, canh bún đông nghẹt khách ăn vào buổi trưa, còn buổi chiều thì rất nhiều chỗ bán bò lá lốt tràn xuống đường mời mọc thực khách. Xe đẩy bánh mì trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bán cả ngày, giò chả, dăm bông được bày lộ thiên không có gì che đậy, mặc cho trời nắng, mưa, bụi bẩn. Trước cửa bệnh viện bệnh Nhiệt đới đông nghẹt những người bán rong thức ăn cho thân nhân.

Phú Mỹ Hưng là nơi rất khó có thể tìm thấy những quán hàng rong nhưng vào buổi trưa, rất nhiều xe máy chở bánh ướt, cơm tấm, bún riêu, bún bò tập trung ở những khu vực có nhiều công sở, khách hàng của họ chủ yếu là nhân viên văn phòng, công nhân xây dựng, ăn uống qua loa cho kịp giờ vào làm.

Khu ăn uống của chung cư mười mẫu quận 2 từ lâu được nhiều người biết và tìm đến đây vào mỗi buổi chiều để thưởng thức gỏi cuốn, bột chiên, bánh tráng nướng, phá lấu, hột vịt lộn...

Đa số người chế biến thức ăn đều để tay trần, khách gọi gỏi cuốn, chủ hàng dùng tay không bốc luôn cho vào dĩa trong khi cách đó vài giây ông vừa thối tiền cho khách hàng. Thấy hết chén dĩa, ông vội vàng đi rửa với 2 xô nước nhỏ một để rửa và một để tráng, rửa xong ông dùng một chiếc khăn đã ngả màu cháo lòng lau sơ, theo quan sát của chúng tôi xô nước đã bắt đầu váng mỡ nhưng thực khách vì không thấy nên vẫn ăn ngon lành.

Thế Anh sinh viên trường Đại học Mở rất hào hứng với những món ăn đường phố vì theo bạn nó không những hợp túi tiền mà còn là những nét đặc trưng rất riêng của sinh viên: “Em là sinh viên nên lâu lâu em cũng đi ăn ở gần trường, hồ Con Rùa hay cà phê bệt. Em với mấy bạn hay ăn bánh tráng trộn, bánh tráng nướng dừa tắc. Em cũng nghe nhiều về vệ sinh an toàn thực phẩm nên không ăn thường xuyên lắm, món nào cũng có nguy cơ mất an toàn, không thể tránh hết. Ăn vặt là nét đặc trưng của sinh viên, không có ăn vặt thì không còn niềm vui nữa, nhưng em nghĩ để tốt hơn thì người ta nên kiểm tra quy hoạch những điểm ăn uống vệ sinh an toàn thực phẩm”.


Từ câu chuyện mà Thế Anh chia sẻ, có thể thấy là những quán hàng rong luôn được người tiêu dùng lựa chọn vì những tiêu chí tiện lợi và giá cả phải chăng. Tất nhiên để có điều này, chủ hàng phải nghĩ cách để giảm giá thành bằng việc chọn lựa nguyên liệu không còn tươi, ngon. Cái vòng lẩn quẩn giá rẻ - chất lượng không đảm bảo dẫn đến hậu quả là các “thượng đế” lãnh đủ.

Bạn Đặng Thị Hải Yến, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, thời gian gần đây bạn không còn dám ăn những món ăn đường phố cùng bạn bè, vì nhiều lần bị đau bụng, đi ngoài: “Tại vì em bị nhạy cảm, cứ ăn thức ăn không an toàn vào là em bị đau bụng, 10-15 phút sau là em bị rồi, nên em chỉ lựa chọn những quán ăn quen thôi và em phải từ bỏ cái thói quen ăn vặt, thường thì em phải trữ theo thuốc, ăn xong thì em phải uống thuốc”.


Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hiện TP.HCM có hơn 28.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố cố định, còn hàng rong, xe đẩy lưu động thì không thể thống kê hết. Ngoài nguy cơ bị ngộ độc, rối loạn tiêu hóa thường trực đối với những người hay ăn thức ăn đường phố, vào những đợt thời tiết nắng nóng như hiện nay, các bệnh viện thường xuyên tiếp nhận điều trị các ca tiêu chảy. Ngoài ra còn có những ca bệnh liên cầu khuẩn, nguyên nhân chủ yếu do ăn tiết canh, cháo lòng.

Trước đây Bộ Y tế đã từng điều tra về thức ăn đường phố tại 11 địa phương, kết quả cho thấy hầu hết bàn tay của người kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố đều bị nhiễm khuẩn E.Coli. Ở Hà Nội tỉ lệ này hơn 43%, TP.HCM 67%, Đà Nẵng hơn 70%. Đáng lưu ý là thực phẩm dù đã được nấu chín nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện vi khuẩn gây bệnh.

Ông Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm phía Nam nói: “Heo tăng trọng, thuốc tăng trưởng, trừ sâu vào rau, những phụ gia chế biến trong thực phẩm, hóa chất làm dai làm giòn, xung quanh ta bất cứ thực phẩm nào chúng ta đều thấy hóa chất, phụ gia. Với hóa chất như vậy, hiện nay chúng ta không kiểm soát được hoặc ngoài tầm kiểm soát, nhất là hàng rong ngoài chợ ngoài đường, quán ăn, những nơi phổ biến như trường học, khu công nghiệp, nơi công cộng chịu ảnh hưởng nhất của thực phẩm không an toàn, hóa chất này khi vào cơ thể trong thời gian dài sẽ gây ra những căn bệnh, chẳng hạn như bệnh ung thư”.


Thực tế, các cơ quan chức năng cũng đã có khá nhiều động thái nhằm quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ việc tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các điểm kinh doanh, thế nhưng những vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra và người dân rất khó để nhận biết thực phẩm an toàn.

Một người dân cho biết: “Vì người ta không thể biết được thực phẩm nào là có chất phụ gia độc, độc nhiều hay độc ít mà không sử dụng, người ta chỉ biết nhìn mẫu mã vô thấy đẹp thì mua, có những khi nó còn có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm giả nữa”.


Từ ngày 20/01/2013, Thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố chính thức có hiệu lực. Hơn 1 năm trôi qua, nhìn những quán sá, hàng rong hoạt động mới thấy, tính khả thi của Thông tư không cao.

Đối với những người lao động nghèo, hàng rong vừa rẻ vừa tiện đồng thời nó còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nghèo và đặc trưng của hàng rong là thường xuyên di động. Tuy nhiên, để giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng thì không thể không quản lý nhưng cần có những giải pháp căn cơ và lộ trình hợp lý.

Theo nhiều ý kiến, trước mắt cần tuyên truyền sâu rộng để cả người bán lẫn người mua nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thức ăn đường phố. Ngoài ra như giải pháp mà bạn Thế Anh đã chia sẻ từ đầu là nên có những khu phố chỉ chuyên bán hàng rong cũng rất đáng lưu tâm. Có như vậy mới mong giải quyết được bài toán vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.