VĐHN: Nhiều tranh cãi xung quanh Dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia

(VOH) - Những ngày gần đây, dư luận xôn xao xung quanh Dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế đang xây dựng. Trong đó, có quy định bán rượu, bia có thể bị cấm sau 22 giờ và thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc. Tuy nhiên, quy định này một lần nữa đang gây nhiều băn khoăn về tính khả thi của nó.

Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu mạnh nhất thế giới, tính trên số dân với tỷ lệ sử dụng bia là 32 lít bia/người/năm. Dự kiến đến năm 2015 con số này sẽ là 45 lít bia/người/năm. Với gần 3 tỷ lít bia được tiêu thụ trong năm 2013, Việt Nam hiện là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Do đó, ban hành Luật trong thời điểm này là việc nên làm.

Bạn Nguyễn Ngọc Thiên Ân (sinh viên trường Đại học Hutech) cho rằng, đề xuất của Bộ Y tế là hoàn toàn hợp lý. Vì sau thời điểm 22 giờ

, nhiều trường hợp nhậu nhẹt say xỉn đã có những hành vi gây rối trật tự công cộng, tụ tập đua xe, quậy phá... "Thường quán nhậu bán đến khoảng 1-2 giờ sáng mới nghỉ. Do đặc tính của quán nhậu là rất ồn, đôi khi có đánh nhau và gây ra các tệ nạn xã hội nên tôi thấy rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sinh viên. Tôi nghĩ cần có quy định khắc khe như vậy để hạn chế tệ nạn xã hội và góp phần cho cuộc sống yên bình của người dân hơn".

Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ thì cũng có những ý kiến trái chiều nhau, đặc biệt là của các cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống về đêm. Chị Đặng Thị Hương - chủ quán nhậu bình dân ở quận Bình Thạnh nói: "Khách đến ăn uống thì quán phục vụ, mà ở đây cũng có nhiều khách đến ăn uống khá trễ, chẳng lẽ đến 22 giờ mời khách ra về? Thường người ta nhậu từ 22 giờ đêm trở lên, nếu cấm như vậy thì sớm quá thì sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh, không buôn bán được. Quy định cũng tốt nhưng 22 giờ thì hơi sớm, theo chị nghĩ quy định đến khoảng 12 giờ hay 1 giờ hãy cấm".

Ông Radhanath Varadan, một thương gia Ấn Độ làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm nay cho biết, có rất nhiều người nước ngoài như ông, thường kết thúc công việc lúc 22 giờ. Ông và bạn bè thường kéo nhau uống bia trong thời điểm này. Theo ông dự thảo này áp dụng cho các cửa hàng thì phù hợp nhưng cũng cần tính đến một số trường hợp ngoại lệ: "Tôi nghĩ là ý hay nếu cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Cứ xem số liệu tai nạn giao thông thì biết. Người ta cứ uống say rồi lại chạy xe, gây ra tai nạn. Nhiều người nói có thể ảnh hưởng xấu đến du lịch vì không có nhiều nơi vui chơi ban đêm cho du khách ở Việt Nam. Nhưng tôi băn khoăn nhất là liệu có nảy sinh sự lợi dụng của lệnh cấm này mà phát sinh tệ nạn khác. Và ai sẽ là người thi hành luật lệ mới này? Liệu có đảm bảo rằng lệnh cấm này sẽ được thực thi một cách nghiêm chỉnh ở khu Bùi Viện và Phạm Ngũ Lão hay không?".

Quy định này cũng khiến những người như anh Trịnh Chí Nhân (một người dân ở quận Bình Thạnh) không khỏi phân vân: "Nhìn chung thì cũng đồng tình thôi, nhưng vì chưa có quy định rõ là cấm quán bán hay mua về nhà có được hay không, sử dụng ở nhà có được hay không. Vì chỉ mới nghe thông tin cấm bán rượu bia sau 22 giờ nhưng chưa thấy chi tiết".

Với các ý kiến vừa nêu ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Sử dụng rượu, bia trong khoảng thời gian từ 22 giờ

 đến 24 gi dễ dẫn tới tình trạng gây mất trật tự an ninh xã hội, vi phạm nếp sống văn minh trong hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa nơi công cộng. Vì vậy, trên cơ sở kinh nghiệm pháp luật quốc tế và tình hình sử dụng rượu, bia tại Việt Nam nên các chuyên gia mới đề xuất quy định không được bán rượu bia sau thời gian này. Việc cấm bán rượu bia từ 22 gi đến 6 gi sáng hôm sau sẽ có lộ trình và tùy vào đặc điểm văn hóa từng địa phương. Ông Nguyễn Huy Quang cho biết cụ thể: "Dự thảo đưa ra 3 lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là cấm vừa bán vừa sử dụng rượu bia ngay, ví dụ các quán bia, các quán bar, nhà hàng, sau 22 gi cho đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Phương án 2 là sẽ giao cho UBND các tỉnh căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương để quy định giờ để cấm bán bia rượu. Cái phương án thứ 3 là không có quy định gì cả. Sở dĩ đưa ra ba phương án để các Bộ, Ngành, người dân tham khảo, tranh luận để đi đến một phương án thống nhất".

Thực tế, nếu quy định người uống rượu bia sau 22 giờ đêm sẽ bị phạt là khá vô lý. Cơ quan chức năng dựa vào đâu để phạt? Dựa vào mùi bia rượu hay dựa vào nồng độ cồn là không có cơ sở. Hơn nữa, trong khi quy định cấm các cửa hàng bán lẻ rượu bia, quán bar, nhà hàng thì ở các siêu thị lại bày bán nhan nhản, mua bao nhiêu cũng có và không giới hạn thành phần, đối tượng. Do đó, Bộ Y tế phải xem xét thấu đáo vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Đoàn Luật sư TPHCM nêu ý kiến: "Đây là quy định mang tính chất của ngành Y tế thôi mà không được sự góp ý của nhiều ngành khác. Hiện tại, cho người ta kinh doanh bán rượu, mà cho kinh doanh rượu khi những người uống tham gia giao thông vi phạm thì đã bị chế tài. Thế thì ý của ngành Y tế là chế tài nặng người bán lẻ rượu thì cái này lại đi ngược với các văn kiện. Mình cho người ta kinh doanh mà không cho người ta bán là vô lý và vi phạm quyền con người và quyền công dân. Văn bản này đúng là trên trời rơi xuống nên mới không thể căn cứ cấm bán rượu được".


Tăng cường kiểm tra nồng độ cồn cũng là một biện pháp hạn chế lạm dụng rượu bia - Ảnh: TTO.

Một trong những vấn đề khác của dự luật này là tính khả thi của nó. Ai là người xử phạt và có quyền phạt? Điều này được ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế lý giải: "Chúng ta không nghĩ đến việc cưỡng chế hành chính ngay mà chúng ta phải hướng tới người dân, những đối tượng sử dụng rượu bia, đặc biệt là chủ các quán bar, nhà hàng nắm được các quy định của pháp luật để người ta thực hiện đúng. Và trong trường hợp vi phạm chúng ta mới xử lý. Như vậy thì các cơ quan chức năng có liên quan trong đó có thanh tra của Sở Kế hoạch Đầu tư, thanh tra của bên Công Thương, Quản lý thị trường, thanh tra bên Y tế, thanh tra của UBND các tỉnh, trong đó có UBND cấp quận, cấp xã, phường và cơ quan công an đều có chức năng xử lý vi phạm này".

Thực tế cho thấy chuyện cấm bán rượu bia sau 22 giờ là khá xa rời thực tế. Chưa kể đến quy định cấm bán cho người dưới 18 tuổi cũng khó khả thi vì người bán không thể yêu cầu người mua trình chứng minh nhân dân. Hoặc đối với người mua là phụ nữ làm sao biết họ đang có bầu hay đang trong thời gian cho con bú? Rồi cấm bán ở vũ trường, karaoke, quán bar... là không thể thực hiện khi mà trước đó có quy định các nơi này ngừng hoạt động sau 24 gi đến nay vẫn chưa làm được, nói gì đến việc họ có bán bia rượu sau 22 gi hay không?

Có thể nói ngay rằng đây là một chủ trương đúng nhưng hoàn toàn chưa phù hợp nếu triển khai đồng loạt. Các nhà làm luật cần căn cứ vào tình hình thực tiễn và rà soát các văn bản có liên quan đã ban hành trước đó, đừng để tình trạng cứ không quản được thì cấm, hoặc các văn bản, quy định cứ chồng chéo lên nhau.