VĐHN: Phòng tránh tai nạn đường sông mùa mưa bão

(VOH) - Mùa mưa đã đến, cũng là thời điểm dễ xảy ra bất trắc khi lưu thông trên các tuyến đường sông nước. Khi mưa to, mực nước và tốc độ dòng chảy trên nhiều tuyến sông rạch tại TP.HCM cũng tăng lên, làm thay đổi dòng chảy bình thường, điều này có thể gây nguy hiểm cho hành khách đi lại trên những tuyến sông rạch lớn.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm 2014, tai nạn giao thông đường sông của cả nước tăng đột biến khi số người chết chiếm gần 77%. Đặc biệt, tai nạn hàng hải tăng đến 7 lần. Đó là lời cảnh báo để chủ phương tiện và hành khách tham gia lưu thông cần lưu ý, đề phòng.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, lỗi vi phạm xảy ra trên các tuyến đường sông nước đa phần là do chở quá tải, phương tiện neo đậu không chắc chắn, không cử người trông coi. Riêng việc tàu hoặc sà lan đứt dây neo va vào cầu đường bộ cũng đã gây ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng. Mặt khác, tại một số bến đò vẫn còn tiềm ẩn hiểm họa do chưa có hệ thống cầu dẫn, thiếu các phương tiện cứu sinh. Số khác sử dụng ghe nhỏ, thỉnh thoảng có một số tàu lưu thông hay cắt ngang luồng hàng hải, điều này có thể gây ra tai nạn bất ngờ nếu khu vực có lưu lượng tàu ra vào nhiều.

Một cảnh báo đáng lưu ý xuất phát từ một số cây cầu không đạt chuẩn và xuống cấp. Theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Công an thành phố, từ đầu năm 2014 đến nay, TP.HCM có tới 3 vụ tàu thuyền, sà lan mắc kẹt dưới gầm cầu, như vụ chiếc sà lan có tải trọng 1.000 tấn, số hiệu KG - 47899 bị mắc kẹt dưới gầm cầu do mực nước sông Sài Gòn dâng cao trong khi độ cao cầu không đạt chuẩn…

Để bảo đảm cho các tàu thuyền, sà lan qua lại tại các cây cầu trên, lực lượng chức năng đã cắm các biển báo hiệu, phát loa phát thanh để thông tin cảnh báo đến các chủ phương tiện và bố trí lực lượng chức năng có mặt thường trực 24/24 giờ tại các cây cầu trọng yếu để bảo đảm an toàn cho các phương tiện. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các cây cầu cần nâng cấp, xây dựng mới đạt chuẩn để bảo đảm an toàn đường thủy.

Ngoài ra, để đảm bảo tàu thuyền lưu thông an toàn trên các tuyến đường sông nước, cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ các điều kiện an toàn, như đối với tàu chở khách tham quan du lịch, ngoài việc bố trí sẵn áo phao, kiểm tra kỹ máy móc khi tàu nhổ neo, thì việc chuẩn bị cứu sinh, cứu hộ, cứu hỏa, cứu đắm trên tàu cũng cần được trang bị kỹ để kịp thời ứng phó với bất kỳ tình huống bất trắc nào xảy ra. Việc đưa đón hành khách cũng cần đảm bảo tuyệt đối an toàn về các đầu bến và cuối bến. Quan trọng nhất là phải đảm bảo được an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách trên các chuyến tàu, thuyền. Đối với các phương tiện tàu, sà lan đậu lại phải được neo buộc chắc chắn tại vị trí an toàn và bố trí người trực trên phương tiện hoặc theo chỉ dẫn của người điều tiết giao thông.

Về phía đơn vị quản lý, cần thiết phải duy trì hoạt động của hệ thống phao tiêu, biển báo, cả dưới sông lẫn trên bờ và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo các thiết bị trong trạng thái hoạt động tốt nhất. Nếu phương tiện hỏng hóc, các chủ phương tiện cần bảo trì, sửa chữa ngay. Ngoài ra, các phương tiện lưu thông đường sông phải đi đúng luồng tuyến quy định để không gây ra những va chạm đáng tiếc.

Lực lượng chức năng cho biết sẽ xử lý mạnh tay đối với các vi phạm, như: Lái tàu qua cầu không có bằng thuyền trưởng, không tuân theo chỉ dẫn báo hiệu của đường thủy nội địa; thuyền trưởng không nắm vững các thông số chiều rộng, chiều cao của khoang thông thuyền, tình trạng các luồng và dòng chảy, không kiểm tra hệ thống lái, neo, đệm chống va, sào chống. Ngoài việc không lập phương án lắp ghép đội hình phù hợp với chiều rộng và chiều cao của khoang thông thuyền sẽ bị xử phạt, thì các công trình thi công trên đường thủy nội địa không thực hiện đầy đủ các phương án bảo đảm an toàn để các phương tiện thiết bị gây cản trở giao thông sẽ bị xử lý.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát các hoạt động vận tải hành khách, chú ý đến các bến khách ngang sông, bến phà và phương tiện vận tải; kiểm tra và xử lý nghiêm đối với thuyền viên và người điều khiển phương tiện vi phạm an toàn. Ngoài những tình huống có thể lường trước được, để đảm bảo an toàn cho chính mình, mỗi một chủ tàu, hành khách phải có ý thức tự bảo vệ mình và tài sản bằng cách tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn đường thủy; xây dựng và nhân rộng mô hình ngăn ngừa đuối nước ở trẻ em, xây dựng bến sông an toàn, địa bàn an toàn, phương tiện an toàn.

Đặc biệt, hiện đang là thời điểm mùa mưa lũ, mùa nước nổi nên cần trang bị thêm cho người dân những kỹ năng về phòng tránh và ứng phó với những tình huống bất trắc xảy ra trên sông nước, kỹ năng lên xuống đò ngang, đò dọc, tập trung vào những người không đi đò thường xuyên và những cư dân sống ven vùng sông nước.