VĐHN: Quản lý thực phẩm hàng rong – khó vẫn phải làm

(VOH) - Lâu nay, người ta đã bàn nhiều đến giải pháp quản lý cho được thực phẩm bán ở vĩa hè , đường phố (tạm gọi là thực phẩm hàng rong) để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lẫn mỹ quan đô thị. Việc quản lý khác nào cái vòng luẩn quẩn, chồng chéo giữa 3 bộ Y tế, Công Thương và bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cùng một mặt hàng nhưng lại bị cả 3 Bộ quản lý, kiểm tra, đến khi xảy ra sự cố thì chẳng rõ trách nhiệm thuộc về Bộ nào!! Quốc hội, chính phủ đã ban hành Luật an toàn thực phẩm 2010 và các nghị định có liên quan, song, khi thực hiện vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập bởi thiếu thông tư hướng dẫn.

Hôm nay, 26/5 những bất cập, chồng chéo quản lý giữa 3 bộ bắt đầu được khai thông khi thông tư liên tịch số 13 giữa 3 bộ chính thức có hiệu lực thi hành. Đây có thể xem là một động thái tích cực để vừa chuyên môn hóa công tác quản lý vừa tác động đến nhận thức của đội ngủ lao động bán thực phẩm hàng rong nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP ) cho xã hội.

Với cơ quan quản lý thì thông tư số 13 quy định bảo đảm hoạt động thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nếu kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp dưới trùng với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cơ quan cấp trên thị thực hiện theo kế hoạch kiểm tra của cơ quan cấp trên.

Với người lao động bán thực phẩm hàng rong thì thông tư qui định: chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm buộc phải có giấy chứng nhận đủ kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm mới được kinh doanh. Để có được tờ giấy này, chủ cơ sở sản xuất và người kinh doanh phải được kiểm tra kiến thức về an toàn thực phẩm bằng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức theo từng lĩnh vực. Khi trả lời đúng 80% số câu hỏi trở lên ở mỗi phần câu hỏi kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành thì mới được cấp giấy chứng nhận hành nghề ..



Ai cũng đồng tình với chủ trương chung của nhà nước là cần phải quản lý chặt chẻ công tác đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi nó gắn với sức khỏe cộng đồng. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra đầy rẫy mà phần lớn là từ những quán cơm bụi vĩa hè, những gánh chè, gánh cháo, mì gõ …rảo khắp các ngỏ hẽm hàng cùng nội thị. Nâng cao nhận thức cho người bán thực phẩm hàng rong và thực hiện chế tài các hành vi vi phạm luật an toàn thực phẩm là một trong những việc cần làm ngay, dù đã muộn.

Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra đầy rẫy mà phần lớn là thực phẩm hàng rong (ảnh minh họa: TTO)

Tuy nhiên, thực hiện thông tư 13 tăng cường quản lý thực phẩm hàng rong xem ra không đơn giản. Vấn đề đặt ra là làm sao lực lượng chuyên trách có thể quản lý hết hàng chục vạn cơ sở kinh doanh ăn uống bình dân khi thời gian kinh doanh trong ngày của họ chỉ vài giờ, chưa kể rất nhiều người trong số này trình độ thấp và luôn trong trạng thái di động. Ngay chính Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng phải thừa nhận rất khó để có thể tập huấn đủ 100% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng rong, thậm chí chuyện chế tài xử phạt cũng không đủ sức răn đe.



Thêm một vấn đề đặt ra là quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ chăm bẳm vào người bán thực phẩm hàng rong mà nhất thiết phải chú ý tới những cơ sở kinh doanh cố định, bởi ngay trong siêu thị, nơi được xem là an toàn vậy mà cơ quan chức năng cũng từng phát hiện có những sản phẩm không đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dẫu sao thì có thông tư 13 vẫn hơn là thả nổi và chồng chéo công tác quản lý thực phẩm hàng rong đường phố. Biết khó nhưng vẫn phải làm và làm được thì mới mong cải thiện tình trạng chất lượng thực phẩm đang mua bán tràn lan như hiện nay.