VĐHN: Tái cơ cấu ngành cá tra

(VOH) - Ngành cá tra Việt Nam thực sự cần một sự chuyển biến, tái cơ cấu tích cực để có chiều hướng phát triển khả quan hơn.

Ngành cá tra đang đứng trước một bức tranh với gam màu xám. Người nuôi cá tra liên tục thua lỗ, thiếu vốn tái đầu tư còn các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra chào bán giá thấp, bị Bộ Thương mại Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá vào thị trường này. Ngành cá tra Việt Nam thực sự cần một sự chuyển biến, tái cơ cấu tích cực để có chiều hướng phát triển khả quan hơn.

Tái cơ cấu trước tiên là quy hoạch, định mức sản lượng cân đối giữa cung cầu. Thực tế, sản lượng cá tra nguyên liệu đã từng tăng nóng từ năm 2008 đến nay, ở mức 1,2 đến 1,5 triệu tấn/năm, tăng hơn 40% so với trước năm 2008, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá tra phi lê và sản phẩm cá tra ở các thị trường trên thế giới lại không tăng tương ứng.

Thêm nữa, do khủng hoảng kinh tế thế giới nên nhiều thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra cũng biến động. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra phải tồn kho hàng. Và khi đến hạn thanh toán ngân hàng đã buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh lẫn nhau chào bán giá thấp để xoay vòng vốn. Khi bán giá thấp, tất nhiên, doanh nghiệp quay về thu mua cá tra nguyên liệu giá thấp. Người nuôi cá phải thua lỗ. Trong một vài thời điểm, do thiếu nguyên liệu hoặc do doanh nghiệp cố tình đẩy giá thu mua cá tra nguyên liệu lên cao nhất thời, làm người nuôi cá tra tiếp tục lao vào vòng quay mới, với hy vọng có lãi. Nhưng chỉ có rất ít người có lãi, còn lại đa phần tiếp tục thua lỗ. Vì vậy, Hiệp hội cá tra ra đời mới đây cùng với Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy

 sản Việt Nam đang định hướng sản lượng cá tra nuôi nên duy trì ở mức 800.000 tấn đến 1 triệu tấn cá tra nguyên liệu một năm là phù hợp với thị trường.


Thu hoạch cá tra - Ảnh: TheSGTimes.

Tái cơ cấu tiếp theo là phương thức liên kết sản xuất và thanh toán tiền hàng giữa người nuôi cá tra với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trước đây, đa số người nuôi cá tự do thả nuôi và khi đến lứa xuất bán đều phải “lụy” doanh nghiệp thu mua. Khi nguồn cung thấp, doanh nghiệp sẵn sàng mua giá cao, không quan tâm đến chất lượng và ngược lại, khi nguồn cung cá tra nguyên liệu dư thừa, doanh nghiệp giảm giá mua hoặc đặt ra các chỉ tiêu chất lượng để hạ giá nhiều hơn. Một khi người nuôi phải lệ thuộc vào doanh nghiệp thì đương nhiên là doanh nghiệp có thể nợ tiền mua cá dài hạn hoặc trả tiền nhỏ giọt. Vì thế, doanh nghiệp sẽ không có trách nhiệm cao với con cá tra trong kho của mình vì bán với giá nào, doanh nghiệp cũng không bị lỗ.

Với giá bán thấp, người nuôi cá là người chịu thiệt nhất trong chuỗi giá trị cá tra. Hiện nay, tình hình này đang được cải thiện, dần dần đi vào ổn định. Các doanh nghiệp đã tự nuôi hoặc liên kết với các hộ gia công vệ tinh để tạo nguồn cá tra nguyên liệu, được khoảng 60% sản lượng chế biến. Phần còn lại do người nuôi còn vốn liếng đầu tư nhưng hiện đang thả nuôi cầm chừng, với mật độ thấp hơn trước đây. Năng suất nuôi duy trì dưới 200 tấn cá/ha/năm. Đặc biệt, người nuôi cá tra hiện đang ở vị trí “kèo” trên. Doanh nghiệp nào muốn mua cá phải trả tiền “tươi”. “Tiền trao cháo múc”.

Tuy nhiên, tình hình này cũng mỏng manh như gương, rất dễ tan vỡ. Bởi nếu phá vỡ quy hoạch, tái gia tăng sản lượng cá tra nguyên liệu lên cao như trước đây, hình thức liên kết sản xuất cũng như vị thế “kèo” trên của người nuôi cá sẽ bị phá vỡ và ngành cá tra sẽ lại rơi vào vòng suy thoái mới. Ngoài ra, tái cơ cấu ngành cá tra còn cần giải quyết một số vấn đề khác như việc chọn lọc và cải thiện chất lượng cá giống, bảo đảm nguồn vốn vay đầu tư cho người nuôi cũng như doanh nghiệp, xây dựng hạ tầng... Trong đó, hai vấn đề, cân đối nguồn cung cầu và tạo mối liên kết, chi trả tiền hàng là quan trọng nhất, cần những thay đổi căn cơ và duy trì nhất quán sự thay đổi này. Hy vọng, ngành cá tra sẽ có những bứt phá, vươn lên. Các thành phần, đặc biệt là người nuôi, trong chuỗi giá trị cá tra đều được hưởng lợi xứng đáng với công sức đóng góp của mình.