VĐHN: Tin nhắn rác- Thu lợi nhuận “khủng” từ việc…làm phiền mọi người?

(VOH) - Nhắn tin, quảng cáo là nhu cầu có thực của xã hội. Tuy nhiên lợi dụng việc này mà nhiều đối tượng lợi dụng quảng cáo với mục đích khác nhau đã gây xúc phạm đến uy tín, danh dự người khác…đặc biệt là hàng triệu người đang bức xúc về việc hàng ngày liên tục bị làm phiền bởi những tin nhắn với nội dung vô tội vạ, những loại tin này được gọi là “tin nhắn rác”.
Với mức cước trung bình 300 đồng/tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỉ đồng/ngày, tức gần 100 tỉ đồng/tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác (ảnh: NSS)

Vài năm gần đây, nhiều người sử dụng điện thoại di động hay phàn nàn rằng máy của họ thường xuyên bị làm phiền bởi những tin nhắn tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm sinh lý, quảng cáo thời trang, tư vấn để trở thành tỷ phú bằng cách đánh đề,… đến từ các số máy di động không quen biết.

Mặc dù người sử dụng điện thoại di động đã cố gắng đưa những số điện thoại nhắn tin rác vào danh sách đen, nhưng làm không xuể bởi có quá nhiều số điện thoại cùng tham gia. Tình trạng này cứ kéo dài, mang đến sự phiền toái quá lớn cho khách hàng, nhưng đến nay các nhà mạng vẫn chưa có giải pháp nào xử lý triệt để??? Không chỉ phải đối phó với tin rác, người dùng di động còn đối mặt với nguy cơ bị mất tiền oan khi gọi vào các số cuộc gọi nhỡ đến máy điện thoại của mình.

Trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động của người dùng tại VN. Với mức cước trung bình 300 đồng/tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỉ đồng/ngày, tức gần 100 tỉ đồng/tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác. Đây là kết quả thống kê được Công ty an ninh mạng Bkav công bố ngày 31-10 vừa qua. Nhìn vào số tiền trên không thể tin nổi lợi nhuận “khủng” thu được từ việc,… làm phiền mọi người qua tin nhắn rác của các nhà mạng!

Cũng theo công ty Bkav đã khảo sát lượng tin nhắn rác với 50.000 người dùng điện thoại di động tại Việt Nam trong tháng 10/2012. Kết quả cho thấy mỗi ngày có tới 16.290 tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động. Như vậy, bình quân cứ ba ngày mỗi người dùng lại nhận một tin nhắn rác. Với những thuê bao thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, họ phải nhận hơn 2 tin nhắn rác/ngày. Nếu tính theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố năm 2011, thị trường VN có ít nhất 30 triệu thuê bao thực đang hoạt động. Như vậy, số tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động trong nước lên đến 9,8 triệu tin/ngày. Một con số quá lớn và trong số đó chắc chắn có đa số những người sẽ bực bội về kiểu làm phiền này.

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Công ty an ninh mạng BKAV, cho rằng: Về mặt kỹ thuật việc ngăn chặn tin nhắn rác trên ĐTDĐ hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều này tương tự như triển khai các giải pháp ngăn chặn thư rác trên mạng internet. Các nhà mạng cũng có thể triển khai hệ thống tự động thu nhập các mẩu tin nhắn rác để lọc sẵn mà không cần đợi khách hàng thông báo. Ông Quảng khẳng định: Tôi nghĩ nhà mạng hoàn toàn có thể ngăn chặn được bước đầu việc tin nhắn spam thông qua giải pháp kỹ thuật. Sau đó phần còn lại người dùng có thể thực hiện thêm bước nữa như cài đặt các chương trình phần mềm phòng chống vi-rút, ngăn chặn thư rác trên ĐTDĐ của mình”. Tuy nhiên, việc này hình như hiện nay các nhà mạng “đang quên không thực hiện” dù khách hàng luôn kiến nghị?


Chúng ta cũng biết để chống thư rác, tin nhắn quảng cáo vốn đang hoành hành người dùng Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 về chống thư rác với nhiều điểm mới trong việc siết chặt thư điện tử, tin nhắn quảng cáo vốn đang hoành hành người dùng. Ngoài ra, để tăng cường kiểm tra, giám sát và ngăn chặn tin nhắn rác trên mạng viễn thông di động, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Chỉ thị 04.


Với việc bùng nổ quảng cáo qua tin nhắn SMS, nhất là tin nhắn rác trong thời gian qua tại Việt Nam, quy định mới đã bổ sung nhiều điểm siết hợp lý. Trong đó đáng chú ý nhất là quy định nhà cung cấp dịch vụ “không được phép thu cước dịch vụ đối với tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, tin nhắn đã được cung cấp dịch vụ nhưng có nội dung khác với mã lệnh mà doanh nghiệp công bố, tin nhắn do người dùng bị lừa đảo”. Đặc biệt, những người dùng bị lừa đảo qua tin nhắn SMS cũng có thể được hoàn lại cước phí, hay nói cách khác, kẻ lừa đảo sẽ không thu được cước phí đã lừa người dùng. Qua đó làm giảm thiểu tình trạng lừa đảo qua tin nhắn SMS đang hoành hành hiện nay.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực nội dung số, quy định mới đã quản lý chặt chẽ hơn tin nhắn quảng cáo với việc giới hạn mạnh mẽ số lượng tin nhắn, thời gian gửi, cũng như tăng cường mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, nhưng thời gian qua tin nhắn rác vẫn tràn lan mà chẳng có nhà mạng nào bị xử phạt. Đây cũng là một câu hỏi của hàng triệu người sử dụng ĐTDD mà vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước?