Xã luận: Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không và sự trường tồn của dân tộc

(VOH) - Trước mùa noel năm 1972 chỉ có 6 ngày, khi mà nhiều nước trên thế giới đang hân hoan chuẩn bị đón giáng sinh thì ngay tại Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam, bom đạn Mỹ đã vang rền khắp nơi và ngay lập tức máu của bao thường dân đã đổ và khắp đó đây là cảnh hoang tàn, đổ nát…

"Đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá và buộc họ phải chấp nhận mọi yêu cầu của chúng ta…”  đó chính là tuyên bố của Tổng thống Richard Nixon và cũng là sự tráo trở của Hoa Kỳ khi mà lẽ ra vào thời điểm trước đó - tháng 10 năm 1972, Mỹ và Việt Nam đã phải đi tới một Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - như đã thỏa thuận. Song người đứng đầu nước Mỹ đã không làm như vậy. Từ các căn cứ quân sự tại đảo Guam trên Thái Bình dương, Utapao, Korat ở Thái Lan và các sân bay tại miền nam VN, cả trăm chiếc B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật - thế mạnh của không lực Hoa kỳ thời đó được huy động vào chiến dịch không kích mang tên Linnerbacker II. Từ 18/12/1972, mỗi ngày có 50 tới 70 lượt - cao điểm còn lên tới 100 lượt B52 bay vào rải bom tại nhiều công trình trọng điểm như nhà ga, sân bay bến cảng, bệnh viện và trường học… tại Hà Nội và Hải phòng. B52 là loại phi cơ ném bom chiến lược tầm cao, có thể mang trong mình 30 tấn bom và 1 tốp 3 chiếc cùng lúc san phẳng một diện tích 2 

km2, vậy là Hà Nội đã phải gánh chịu gần hàng chục ngàn tấn bom trong liên tục 12 ngày đêm. Tổng kết chiến dịch này đã có hơn 4.000 thường dân vô tội thiệt mạng, gần 3.500 đồng bào khác bị thương; hơn 5.400 căn nhà, nhiều khu phố bị san phẳng hoàn toàn. Bao trường học, nhà ga, sân bay, bến cảng… bị phá hủy. Hà Nội khi đó chìm trong ngói tan gạch nát… làm cả thế giới phải kinh hoàng, bởi đây chính là đợt không kích có cường độ dày và dữ dội nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh...

"Ôi nhớ Thủ đô năm ấy. Ta đánh giặc trên mâm pháo. Truyền thống cha ông gìn giữ non sông, từ thuở Thăng Long vẫn mang trong lòng. Hà Nội ơi…" Ca từ của nhạc phẩm Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp về thủ đô một thời đạn bom, một thời hòa bình mới da diết và thiêng liêng làm sao. Hà Nội đã không khuất phục. Việt Nam đã không khuất phục và vẫn hiên ngang đứng vững trước phong ba bão táp, trước bạo lực và sức mạnh của kẻ thù. Chống chọi với B52 và nhiều chiến đấu cơ hiện đại của đối phương, chúng ta chỉ có máy bay MIG21 và tên lửa SAM2 do Liên Xô cung cấp - những vũ khí còn quá khiêm nhường so với tiềm lực của phía bên kia. Trước thách thức và sự quyết liệt của cuộc chiến, để tồn tại chỉ có thể là phải tiến lên phía trước. Lấy yếu chống mạnh, biến cái không thể thành có thể, lực lượng phòng không không quân của chúng ta đã phải dày công nghiên cứu lối đánh thích hợp mang yếu tố táo bạo, bất ngờ đầy sáng tạo và cả sự quả cảm… MIG 21 đã cất cánh từ các sân bay dã chiến với chiến thuật biến hóa khôn lường. Bộ đội radar góp phần phá sóng gây nhiễu của phi cơ địch và tham gia dẫn đường chính xác cho phi cơ chiến đấu và tên lửa của ta đánh trúng B52, hỗ trợ lực lượng phòng không không quân tác chiến đạt hiệu quả cao… và nhờ vậy, trận quyết chiến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã mang lại chiến công vang dội: hơn 80 máy bay các loại của không lực Hoa Kỳ bị bắn hạ, trong đó có 34 chiếc B52. Thiệt hại nặng nề tới mức đã gây choáng váng cho Nhà Trắng và Lầu Năm Góc và ngay lập tức Tổng thống Nixon phải ra lệnh ngừng ngay cuộc không kích không điều kiện vào ngày 30/12/1972 để xúc tiến nối lại vòng đàm phán 4 bên và ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết. Có thể nói trận thắng trên không này là đòn cân não, mang tính quyết định, góp phần đưa đến thắng lợi của cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, non sông gấm vóc thu về một mối. Thật ra, trước đó 4 năm, vào năm 1968, khi Mỹ tăng cường đánh phá Miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tiên lượng và dự báo rằng Mỹ sẽ dùng át chủ bài B52 đánh Hà Nội rồi có thua thì mới chịu thua. Nhờ dự báo tài tình của Bác mà chúng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo để đối phó với tình hình…


Xác B52 bị quân dân Hà Nội bắn rơi năm 1972 - Ảnh: VOV

Bước ra từ cuộc chiến tranh 20 năm, đất nước ta đã từng gặp muôn vàn gian khó. Nghèo đói và thiếu thốn trăm bề… vậy nhưng kỳ diệu thay, cứ mỗi lần ở vào thế khó, dường như chúng ta lại biết cách thoát ra và vươn lên để mà tồn tại và khẳng định mình. Mạnh dạn xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, lên kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ thiếu lương thực, nước ta đã phấn đấu trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Kinh tế xã hội phát triển không ngừng, đời sống người dân ngày một nâng cao… để rồi gần 40 năm sau giải phóng, cái tên Việt Nam được bạn bè năm châu nhắc tới với sự tin yêu và ngưỡng mộ.

Trong thời điểm hiện tại, cả thế giới rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế. Nhiều nền kinh tế chao đảo, gây nên những bất ổn cho đời sống xã hội và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Hệ thống tài chính ngân hàng bị ảnh hưởng đã dẫn tới các hệ lụy: hàng loạt công ty phá sản hoặc phải giải thể, bất động sản đóng băng, hàng hóa tồn kho nhiều, lạm phát gia tăng, đời sống người dân lao đao… đã buộc chúng ta phải tính đến các giải pháp hữu hiệu như tái cơ cấu nền kinh tế, trên cơ sở sắp xếp lại các Tập đoàn và Tổng công ty; Chấn chỉnh lại hệ thống ngân hàng; Giữ mức tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, trợ giá cho những mặt hàng thiết yếu… để giúp vực dậy nền kinh tế và người lao động vượt qua thời bão giá. Cùng với các giải pháp chủ động vừa nêu, mới đây, bên cạnh việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để bảo vệ sự sống còn, Đảng ta còn mạnh dạn chỉ ra những điểm yếu trong đội ngũ là sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, mà nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ dẫn tới nguy cơ làm phương hại tới sự tồn vong của quốc gia và dân tộc. Nghị quyết TW 4 về chỉnh đốn Đảng chính là sự quyết tâm và nghiêm khắc soi rọi lại bản thân mình của mỗi cán bộ đảng viên từ TW tới địa phương. Đây cũng chính là cuộc đấu tranh nội bộ không kém phần cam go và quyết liệt. Thiết nghĩ trong thời chiến, đứng trước sự sống và cái chết, chúng ta còn biết cách vượt qua đầy tự tin và kiêu hãnh, thì nay trước bao nhiêu nguy cơ đến từ cả bên trong và bên ngoài, nếu không vững vàng, e rằng sẽ không còn sự lựa chọn. Bài học từ trận chiến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không và sự trường tồn của dân tộc chắc chắn sẽ củng cố niềm tin để giúp chúng ta vượt khó.