Về Bông Lúa Vàng
Giới thiệu chung
Căn cứ Kế hoạch số 293/KH-ĐTNND ngày 19 tháng 3 năm 2024 về việc tổ chức Cuộc thi Bông Lúa Vàng 2024 “Tỏa sáng tài năng cải lương” của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Tổ chức ban hành Thể lệ Cuộc thi Bông Lúa Vàng 2024 “Tỏa sáng tài năng cải lương” như sau.
I. Đối tượng thí sinh
- Là công dân Việt Nam, tuổi từ 16 đến 50, không đang trong tình trạng thi hành án, không bị các chứng bệnh về tâm thần, (trừ các thí sinh đã đoạt giải nhất, Huy chương vàng Cuộc thi “Giọng ca cải lương Bông Lúa Vàng” của VOH các năm trước).
- Các thí sinh đã vào vòng Trổ đòng 03 năm liền kề đăng ký dự thi năm 2024 được xét thẳng vào vòng Mạ non không phải thi sơ tuyển (vòng Gieo hạt).
II. Quy chế thi
- Thí sinh tham gia phải tuân thủ tất cả các quy định do Ban Tổ chức đề ra.
- Phải tham dự đủ tất cả các vòng thi và chấp hành tốt nội quy thi.
- Hình ảnh cá nhân và thông tin về cuộc thi được Ban Tổ chức toàn quyền sử dụng cho mục đích tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.
- Thí sinh cam kết không công bố nội dung và kết quả thi lên các phương tiện truyền thông mà không có sự đồng ý của Ban Tổ chức, vi phạm sẽ mất quyền tiếp tục dự thi.
- Tất cả các thí sinh tham gia cuộc thi phải tuân thủ yêu cầu và chịu sự điều động của Ban Tổ chức (ví dụ: tham gia các hoạt động xã hội, các cuộc biểu diễn quảng bá…) mà không yêu cầu thù lao, bồi dưỡng hoặc bất cứ điều kiện vật chất nào. Những trường hợp cụ thể, đặc biệt sẽ do Ban Tổ chức xem xét, quyết định.
- Ban Tổ chức có quyền loại những thí sinh không đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, hoặc do thí sinh có những hành vi, phát ngôn, hoặc có vấn đề cá nhân về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng, phương hại đến uy tín của cuộc thi. Ban Tổ chức cũng có quyền thay đổi về quy trình hoặc quy định vào bất kỳ lúc nào để phù hợp với diễn biến thực tế của cuộc thi.
- Thí sinh tự túc chi phí cá nhân: di chuyển, ăn ở, trong suốt quá trình thi.
III. Các vòng thi
1. Vòng Gieo hạt: (01 giám khảo)
- Sơ tuyển tại 03 điểm: (dự kiến).
- Ngày 07 tháng 4 năm 2024: Khu lưu niệm Cao Văn Lầu - Tỉnh Bạc Liêu.
- Ngày 13 tháng 4 năm 2024: Huyện Đất Đỏ - Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
- Ngày 19 và 20 tháng 4 năm 2024: Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thí sinh hát một bài tự chọn hoặc bài “Tỏa sáng Bông Lúa Vàng” với ban nhạc (02 câu), lời bài hát “Tỏa sáng Bông Lúa Vàng” được đăng công khai trên website: voh.com.vn/bongluavang
- Ban Tổ chức sẽ chọn 60 - 80 thí sinh đạt chuẩn cơ bản về giọng hát vào Vòng Mạ non.
2. Vòng Mạ non: (03 giám khảo)
- 80 thí sinh vượt qua vòng Gieo hạt sẽ có mặt tại Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bốc thăm và phát số báo danh thời gian như sau:
- 09h00 ngày 07/7/2024: Thí sinh tiến hành bốc thăm, thực hiện cam kết, đăng ký bài hát. Ban Tổ chức phổ biến thể lệ, nội dung tập dợt chuẩn bị cho vòng Mạ non.
- 09h00 ngày 09,10,11,12/7/2024, 80 thí sinh sẽ tập dợt với Ban nhạc, Ban Huấn luyện theo danh sách bốc thăm. Vào các buổi tập dợt này, nếu thí sinh nào không có mặt xem như tự ý bỏ thi.
- Sản xuất ghi hình offline tại Nhà hát VOH Music One.
- Thời gian : 09h00 ngày 13,14,15/7/2024.
- Thí sinh được Ban chuyên môn tư vấn chọn 1 tiết mục (trọn 01 bài cổ gồm 04 câu) để tập dợt và dàn dựng. Đây là vòng để thí sinh thể hiện năng khiếu và sở trường của mình.
- Các tiết mục dự thi được tập dợt với ban nhạc. Trang phục và đạo cụ thí sinh tự chuẩn bị.
- Chọn ra 18 thí sinh, căn cứ vào kết quả chấm điểm của Ban giám khảo.
- Ban giám khảo nhận xét, bình luận, thuyết minh, đánh giá, định hướng làm cơ sở để chấm điểm cho các thí sinh. Trong mỗi buổi thi có 1 thành viên Ban Giám khảo bí mật giữ kết quả đến cuối buổi thi sẽ công bố điểm.
- Ban Tổ chức kiểm tra và thông tin minh bạch đối chứng để công bố 18 thí sinh đi tiếp vào vòng sau căn cứ vào kết quả chấm điểm của Ban giám khảo.
3. Vòng Trổ đòng: (05 giám khảo)
- 18 thí sinh có mặt tại Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bốc thăm thời gian như sau:
- 09h00 ngày 09/9/2024: Thí sinh tiến hành bốc thăm, thực hiện cam kết, đăng ký bài hát. Ban Tổ chức phổ biến thể lệ, nội dung tập dợt chuẩn bị cho Vòng Trổ đòng.
- 09h00 ngày 10,11,12,13/9/2024: Thí sinh sẽ tập dợt với ban nhạc, Ban Huấn luyện theo danh sách bốc thăm.
- 09h00 ngày 14/9/2024: Thí sinh có mặt tại nhà hát VOH Music One để ghi hình sản xuất offline.
- 18 thí sinh vượt qua Vòng Mạ non sẽ được bốc thăm thành 09 cặp đôi, thi mỗi buổi 03 cặp đôi. Mỗi cặp thí sinh được Ban chuyên môn tư vấn chọn 01 bài đơn ca và song ca để tập dợt và dàn dựng, trong buổi thi không được trùng bài. Trang phục và đạo cụ thí sinh tự chuẩn bị. Ban Tổ chức hỗ trợ một phần chi phí trang phục.
- Đơn ca: thí sinh hát trọn 01 bài Bắc (01 trong 06 bài Bắc) hoặc 01 bài Lễ (01 trong 07 bài Lễ 20 - 30 câu).
- Song ca: thí sinh hát trọn 01 bài ca cổ (thí sinh tự chọn, trong buổi thi không được trùng bài).
- Các tiết mục dự thi được tập dợt với ban nhạc và các nghệ sĩ huấn luyện.
- Thí sinh nêu kiến thức cơ bản về loại hình, tác giả, tác phẩm dự thi nhằm cung cấp kiến thức cho khán, thính giả.
- Ban giám khảo nhận xét, bình luận, thuyết minh, đánh giá, định hướng làm cơ sở để chấm điểm cho các thí sinh. Trong mỗi buổi thi có 1 thành viên Ban Giám khảo bí mật giữ kết quả đến cuối buổi thi sẽ công bố điểm.
- Ban Giám khảo được quyền đặc cách 5 thí sinh được vào vòng Lúa Vàng (mỗi Giám khảo đặc cách 1 thí sinh).
- 7 thí sinh còn lại căn cứ vào kết quả chấm điểm của Ban Giám khảo. Mỗi Ban Giám khảo sẽ chấm điểm các tiết mục dự thi đơn ca và song ca của thí sinh, điểm trung bình của 2 tiết mục sẽ là căn cứ để chọn 07 thí sinh (chọn từ cao xuống thấp).
4. Vòng Lúa vàng: (05 giám khảo)
- 12 thí sinh có mặt tại Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bốc thăm thời gian như sau:
- 09h00 ngày 04/11/2024: Thí sinh tiến hành bốc thăm, thực hiện cam kết, đăng ký tiết mục dự thi, bạn diễn (không mời trùng bạn diễn).
- Mỗi thí sinh được Ban chuyên môn tư vấn chọn 01 trích đoạn (Trích đoạn dự thi tuồng cổ hoặc cải lương đã được cấp phép) để tập dợt và dàn dựng, trong buổi thi không được trùng tiết mục.
- Các tiết mục dự thi phải có nội dung ca ngợi về tình yêu con người, tình yêu quê hương đất nước. Các trích đoạn tuồng cổ dân gian có nội dung trong sáng lành mạnh, các tuồng cổ kinh điển.
- Thời gian thi của mỗi thí sinh từ 12 phút đến 15 phút/ 01 tiết mục. Nội dung tiết mục mang tính nhân văn, truyền thống của nghệ thuật cải lương. Thí sinh tự chọn bạn diễn (không mời trùng bạn diễn trong các buổi thi). Trang phục và đạo cụ thí sinh tự chuẩn bị. Ban Tổ chức hỗ trợ một phần chi phí.
- Trường hợp thí sinh không tìm được bạn diễn Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ. Trường hợp khác do Ban Tổ chức quyết định.
- 09h00 ngày 05,06,07,08/11/2024: Thí sinh tập dợt với ban nhạc, Ban Huấn luyện theo danh sách bốc thăm.
- 09h00 ngày 09/11/2024: Thí sinh có mặt tại nhà hát VOH Music One để ghi hình sản xuất offline.
- Sẽ có 06 thí sinh xuất sắc vào đêm Chung kết xếp hạng. Ban Giám khảo sẽ chấm điểm để chọn 6 thí sinh có điểm cao nhất vòng thi vào Chung kết xếp hạng. Có 1 Giám khảo bí mật sẽ công bố điểm vào cuối mỗi buổi thi.
- Ban Tổ chức kiểm tra và thông tin minh bạch đối chứng để công bố 06 thí sinh đi tiếp vào vòng sau căn cứ vào kết quả chấm điểm của Ban giám khảo.
- Sau khi công bố kết quả 06 thí sinh vào Chung kết xếp hạng, các thí sinh được mở cổng bình chọn Giải Thưởng Thí Sinh Được Yêu Thích Nhất qua 2 hình thức:
- Soạn tin nhắn với cú pháp: BLV<khoảng trắng>Mã số thí sinh. Và sau đó gửi về tổng đài 8136. Giá cước cho một tin nhắn bình chọn là 1.500 đồng.
- Truy cập vào trang web: voh.com.vn/bongluavang và thực hiện bình chọn theo hướng dẫn trên trang web của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM - VOH.
- Tổng đài mở bình chọn từ 16 giờ 00 ngày 21 tháng 12 năm 2024
- Và sẽ kết thúc khi thí sinh cuối cùng của vòng Chung kết xếp hạng hoàn thành phần thi. MC sẽ thông báo chính thức đóng bình chọn trên cả 2 cổng. (Ngày diễn ra chung kết xếp hạng là ngày 11/01/2025)
- Hết thời gian bình chọn, hệ thống sẽ tự khóa, những bình chọn sau đó không được tính
- Mỗi lượt bình chọn qua web, hay qua tin nhắn sẽ được tính là 1 điểm, kết quả cuối cùng sẽ là tổng số điểm cộng lại của cả 2 cổng, thí sinh có điểm cao nhất là thí sinh được yêu thích nhất
- Mỗi số điện thoại/mỗi tài khoản được nhắn tin bình chọn cho nhiều thí sinh nhưng mỗi thí sinh chỉ được nhắn tin/bình chọn 1 lần.
- Các thí sinh vượt qua Vòng Lúa vàng phải tham gia hoạt động xã hội do Ban Tổ Chức cuộc thi phát động.
5. Chung kết xếp hạng
- 06 thí sinh có mặt tại Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bốc thăm thời gian như sau:
- 09h00 ngày 07/01/2025: Thí sinh tiến hành bốc thăm, thực hiện cam kết, đăng ký tiết mục dự thi, bạn diễn. Mỗi thí sinh được Ban chuyên môn tư vấn chọn 01 trích đoạn (Trích đoạn dự thi tuồng cổ hoặc cải lương đã được cấp phép) để tập dợt và dàn dựng.
- Thời gian thi của mỗi thí sinh từ 12 phút đến 15 phút/ 01 tiết mục. Nội dung tiết mục mang tính nhân văn, truyền thống của nghệ thuật cải lương. Thí sinh tự chọn bạn diễn (không mời trùng bạn diễn trong buổi thi). Trang phục và đạo cụ thí sinh tự chuẩn bị. Ban Tổ chức hỗ trợ một phần chi phí.
- Trường hợp thí sinh không tìm được bạn diễn Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ. Trường hợp khác do Ban Tổ chức quyết định.
- Thí sinh sẽ không hát lại bài thi của Vòng Lúa vàng, trong buổi thi không được trùng bài.
- 09h00 ngày 08, 09, 10/01/2025: Thí sinh tập dợt với Ban nhạc, Ban Huấn luyện theo danh sách đã bốc thăm.
- 09h00 ngày 11/01/2025: Thí sinh có mặt chạy sân khấu trước buổi thi, 13h00 thi trực tiếp.
- Ban Tổ chức thông báo thể lệ chấm điểm, bình chọn thí sinh đoạt giải tại Vòng Chung kết xếp hạng buổi Chung kết xếp hạng.
- Từng thành viên Ban Giám khảo sẽ chấm theo thang điểm 20 đối với phần thi của 06 thí sinh (có tính đến 02 chữ số thập phân). Điểm của thí sinh sẽ là tổng điểm bình quân của các thành viên Hội đồng Giám khảo. số điểm của Ban Giám khảo được giữ bí mật sẽ công bố điểm vào cuối buổi thi.
- Trường hợp có 02 hoặc 03 thí sinh bằng điểm nhau, mỗi thành viên Ban Giám khảo sẽ bỏ phiếu bình chọn từng thí sinh cho giải nhất, nhì, ba, trên nguyên tắc thí sinh nào được nhiều phiếu chọn của Ban Giám khảo sẽ được giải cao hơn.
6. Cơ cấu chấm điểm
a) Tiêu chí chấm điểm của Ban Giám khảo
- Chuyên môn hát.
- Phong cách biểu diễn.
- Trang phục.
b) Cách tính điểm từ Ban Giám khảo: (thang điểm tối đa 20 điểm, có tính đến 02 chữ số thập phân)
- Điểm hát: 15 điểm.
- Điểm phong cách biểu diễn + Trang phục: 05 điểm.
IV. Cơ cấu giải thưởng
- Giải Nhất: Cúp Bông Lúa Vàng có mạ vàng thật + 100 triệu đồng.
- Giải Nhì: Cúp + 50 triệu đồng.
- Giải Ba: Cúp + 20 triệu đồng.
- 03 Giải Khuyến Khích: Giấy chứng nhận + 05 triệu đồng.
- Giải Khán, thính giả yêu thích nhất: Cúp + 10 triệu đồng.
- Giải Phong cách ấn tượng: Giấy chứng nhận + 03 triệu đồng.
- 06 thí sinh vào Vòng Lúa vàng không được vào Chung kết xếp hạng được Ban Tổ chức cấp Giấy chứng nhận giọng hát vào Vòng Chung kết Bông Lúa Vàng năm 2024 + 01 triệu đồng.
- Các thí sinh sẽ được Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố hỗ trợ và tạo điều kiện rèn luyện trên đường nghệ thuật chuyên nghiệp để đến với khán thính giả
30 năm hành trình Bông Lúa Vàng
Xem chi tiết tại đây