Theo số liệu thống kê, có khoảng 50% dân số thế giới bị đau đầu hằng ngày. Cứ 3 người thì có một người bị đau đầu dữ dội vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Đa phần các trường hợp người bệnh bị đau đầu hay đau ở đỉnh đầu đều thường không đi khám hoặc không điều trị triệt để vì nghĩ rằng đó là bệnh lặt vặt.
1. Đau đỉnh đầu – vì sao?
Ngoài các trường hợp bị đau nửa đầu, đau đầu từng cụm, đau đầu mãn tính… thì đau đỉnh đầu là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở nhiều người. Các cơn đau ở đỉnh đầu có thể chỉ xuất hiện trong một vài phút rồi tự hết, nhưng cũng có nhiều trường hợp đau dữ dội, kéo dài trong vài ngày hoặc đau âm ỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Đau đỉnh đầu có thể chỉ xuất hiện trong một vài phút rồi tự hết, nhưng cũng có khi cơn đau dữ dội, kéo dài (Nguồn: Internet)
Một số nguyên nhân phổ biến gây nên hiện tượng đau đỉnh đầu bao gồm:
1.1 Do thay đổi thời tiết
Những thay đổi thời tiết như: thời tiết chuyển mùa, lúc nóng lúc lạnh, lúc mưa lúc nắng… thường gây ra đau đầu vùng trán, vùng đỉnh đầu, đau hai hốc mắt, đau vùng 2 cung lông mày, người mệt mỏi. Có trường hợp phát sốt, nặng hơn có triệu chứng buồn nôn, nôn, uống thuốc giảm đau bệnh chỉ giảm đôi chút rồi lại đau, bệnh thường tái phát nhiều đợt trong năm.
1.2 Căng thẳng tâm lý
Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đau đầu căng thẳng, bạn có thể gặp phải tình trạng đau một bên đầu hoặc đau ở đỉnh đầu. Và phần lớn những người làm việc trong môi trường căng thẳng chính là đối tượng thường bị những cơn đau đỉnh đầu “ghé thăm”.
1.3 Huyết áp cao
Cao huyết áp cũng là một trong những bệnh lý có thể gây ra những cơn đau đỉnh đầu bên phải hoặc bên trái. Khi áp lực của máu tăng lên, tác động mạnh vào các thành mạch sẽ làm xuất hiện nguy cơ xơ vữa động mạch hoặc giãn mạch máu, từ đó gây ra các triệu chứng đau ở đỉnh đầu.
1.4 Hội chứng đau nửa đầu Migraine
Đau nửa đầu Migraine thường gây ra các triệu chứng đau đỉnh đầu hoặc nửa bên đầu, thậm chí đau cả đầu (Nguồn: Internet)
Đau nửa đầu Migraine (hay còn gọi là đau đầu vận mạch) thường gây ra các triệu chứng đau đỉnh đầu hoặc nửa bên đầu, thậm chí đau cả đầu. Các cơn đau thường đến theo từng cơn, một số trường hợp có thể kèm theo nôn hoặc buồn nôn. Ngoài ra, người bệnh sẽ có cảm giác sợ ánh sáng, sợ tiếng động,….
1.5 Thiếu máu não
Nếu đau đỉnh đầu kèm theo các hiện tượng như chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế thì rất có thể bạn bị thiếu máu lên não. Bệnh nhân thiếu máu não thường bị đau đầu hoặc đau ở đỉnh đầu, tuy nhiên cơn đau không dữ dội mà sẽ đau âm ỉ, nặng nề như có vật gì chèn vào đầu.
2. Làm sao để khắc phục tình trạng bị đau đỉnh đầu thường xuyên?
Bất kỳ một triệu chứng nào về đau đầu ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể là dấu hiệu báo động một tình trạng sức khỏe không tốt trên cơ thể. Với hiện tượng bị đau ở đỉnh đầu, ngoại trừ những trường hợp đau thông thường do thay đổi thời tiết và tâm lý thì mọi trường hợp còn lại bạn đều phải cẩn trọng.
Tốt nhất là bạn nên đi thăm khám bác sĩ nếu gặp phải tình trạng đau đỉnh đầu thường xuyên. Việc thăm khám sẽ giúp bạn biết được chính xác nguyên nhân gây triệu chứng đau đỉnh đầu cũng như được chỉ định thuốc điều trị thích hợp.
Ngoài ra, bạn cũng nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tự tạo cho mình một tinh thần thoải mái, không nên để tình trạng căng thẳng, stress kéo dài khiến sức khỏe và tinh thần đều suy kiệt, dẫn đến bị đau nửa đầu.
Cùng với đó là việc xây dụng một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, hạn chế những thực phẩm gây hại cho sức khỏe. Đồng thời nên lên một kế hoạch luyện tập thể dục phù hợp. Tăng cường vận động thể dục thể thao thường xuyên với những bài tập vừa sức, đều đặn 30 - 40 phút mỗi ngày sẽ giúp bạn có được một cơ thể khỏe mạnh.
Điều cuối cùng cần nhớ là nên thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để được bác sĩ theo dõi, tư vấn điều trị hiệu quả nếu có phát hiện bệnh lý.