Bộ Y tế ra hướng dẫn mới để F0 điều trị tại nhà

(VOH) - Theo hướng dẫn của Bộ Y tế vừa ban hành, F0 cần thực hiện một số việc để tự theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng, chiều.

Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" do Bộ Y tế vừa ban hành, cơ sở quản lý sức khỏe người mắc COVID-19 hướng dẫn người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị.

Theo đó, khi điều trị tại nhà F0 cần làm những việc sau đây để theo dõi sức khỏe hàng ngày

- Chỉ số: gồm nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

- F0 xem xét có các triệu chứng sau hay không: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Các triệu chứng khác cũng cần lưu ý như: Đau họng, nhức đầu, chán ăn, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

 F0 điều trị tại nhà, Bộ Y tế hướng dẫn, ngày 12 tháng 2 năm 2022
Ảnh minh họa: VOH

Những trường hợp F0 có các triệu chứng sau đây cần báo ngay với Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được cấp cứu và chuyển viện kịp thời:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

- Nhịp thở ≥ 20 lần/phút (đối với người lớn),  ≥ 40 lần/phút (đối với trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi), nhịp thở: ≥ 30 lần/phút (với trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi). Lưu ý khi đếm nhịp thở cho trẻ phải đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.

- SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

- Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

- Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

- Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...

- Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...

Nếu F0 điều trị tại nhà bị sốt cần xử trí như sau:

+ Đối với người lớn: > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

+ Đối với trẻ em: > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần.

Nếu F0 ho thì dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, người mắc COVID-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.

Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 nên tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái...