Có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng?

VOH - Tiêm phòng là việc quan trọng, rất cần thiết cho tất cả trẻ em. Sau khi tiêm phòng cho trẻ thường xuất hiện những phản ứng như sốt hoặc sưng vị trí tiêm.

Thật ra, những phản ứng sốt hoặc sưng vị trí tiêm là bình thường và bạn vẫn nên duy trì việc giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ.

Việc chủng ngừa bằng vắc xin sẽ bảo vệ con bạn khỏi các bệnh nghiêm trọng như viêm não, bại liệt, sởi, ho gà... Tuy nhiên, vắc xin cũng có thể có tác dụng phụ như các loại thuốc khác.

Đôi khi, những phản ứng sau khi tiêm phòng này có thể khiến cha mẹ lo lắng và tránh tắm cho trẻ vì sợ trẻ sẽ bị nặng hơn. Thế nhưng, cha mẹ cần biết những phản ứng nào là bình thường để quyết định có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng không.

VOH - Tiêm phòng là việc quan trọng, rất cần thiết cho tất cả trẻ em. Sau khi tiêm phòng cho trẻ thường xuất hiện những phản ứng như sốt hoặc sưng vị trí tiêm - 1-5-24
Việc theo dõi trẻ cần được thực hiện ngay sau tiêm và khi về nhà - Ảnh: Internet

Các phản ứng thường gặp sau khi tiêm phòng cho trẻ

Sốt

Đây là phản ứng phổ biến nhất ở trẻ sau khi đi tiêm chủng về. Tuy nhiên khi trẻ sơ sinh bị sốt, cha mẹ cần kiểm tra thân nhiệt của trẻ từ 2 - 3 giờ/lần.

Nếu thấy trẻ bị sốt trên 38,5 độ C thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, còn ở dưới mức này thì cha mẹ chỉ cần theo dõi sát sao và chườm khăn ấm cho trẻ.

Vết tiêm bị sưng đau

Với mũi tiêm phòng bệnh lao, việc vết tiêm bị sưng tấy, nổi cục, u hạch ở trẻ là điều bình thường. Các vết tiêm bị tấy đỏ, sưng đau cũng chính là nguyên nhân khiến cho trẻ khó chịu, bứt rứt và quấy khóc.

Cha mẹ có thể lấy một miếng gạc lạnh để vào ngăn đá tủ lạnh rồi lấy ra chườm mát cho trẻ để trẻ cảm thấy dễ chịu. Nhưng cha mẹ nhớ là chỉ nên chườm cho bé trong khoảng 15 hoặc 20 phút thôi.

Phát ban, nổi mề đay

Phản ứng này xảy ra ở trẻ sơ sinh sau khi tiêm phòng mũi sởi, quai bị hay bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, các cha mẹ cũng không cần lo lắng vì triệu chứng này sẽ biến mất chỉ sau 1 - 2 ngày.

Khi trẻ sốt, cơ thể trẻ nhỏ rất khó chịu, lại có cảm giác sưng đau, viêm tấy ở vết tiêm thì việc trẻ quấy khóc cũng là điều đương nhiên, cha mẹ không nên lo lắng quá mức.

Tuy nhiên, sau khi tiêm chủng xong, trẻ nhỏ cần phải được theo dõi sát sao tại cơ sở tiêm chủng ít nhất là 30 phút. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần phải theo dõi trẻ thật kỹ trong vòng từ 24 - 48h sau khi tiêm.

Có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng?

Sau khi tiêm phòng, vị trí da bị tiêm tạo thành 1 lỗ nhỏ, không đáng kể, nhưng rất dễ bị nhiễm trùng.

Vậy nên, các cha mẹ cần cẩn thận lau sạch vết thương không để tiếp xúc với môi trường ngoài để tránh vi khuẩn tấn công vào cơ thể trẻ. Đặc biệt, không được cho vết thương dính nước.

Hơn nữa, sau khi tiêm phòng trẻ thường bị sốt nhẹ. Nếu cha mẹ cố tắm cho trẻ thì có thể khiến cơn sốt nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các chuyên gia sức khỏe khuyên cha mẹ, sau khi tiêm phòng cho trẻ không nên tắm gội luôn mà nên để qua 1 - 2 ngày rồi tắm. Trong thời gian này, cha mẹ nên dùng khăn ấm lau sạch cơ thể cho trẻ là được. Nếu sau 1 ngày trẻ khỏe lại bình thường, không sốt nước thì có thể cho trẻ tắm được.

Cha mẹ không nên quá lo lắng về việc mình có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng hay không nếu trẻ chỉ gặp một số phản ứng phụ như sưng nhẹ ở chỗ tiêm hay hơi khó chịu. Những phản ứng phụ này sẽ tự khỏi trong vài ngày và bạn cần duy trì việc vệ sinh cơ thể cho trẻ.

Tuy nhiên, bạn cần đưa trẻ nhỏ đi khám và nhờ bác sĩ tư vấn cách chăm sóc thích hợp nếu tình trạng sốt hay khó chịu này kéo dài quá lâu.