Cộng đồng cảnh giác cúm A H5N8 lây từ gia cầm sang người

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) thông báo Nga đã ghi nhận 7 công nhân ở trang trại nuôi gà nhiễm virus cúm A H5N8. Đây là nhóm virus cúm A độc lực cao.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya 24, ngày 20/2, bà Anna Popova - người đứng đầu cơ quan giám sát y tế Nga Rospotrebnadzor- cho biết 7 công nhân ở một trang trại gia cầm ở miền Nam nước Nga đã bị nhiễm virus H5N8 khi dịch bùng phát tại trang trại này hồi tháng 12 năm ngoái. Bà Popova nêu rõ những người này hiện giờ cảm thấy khỏe và cho tới nay không có dấu hiệu virus này lây nhiễm từ người sang người. 

Đây là báo cáo đầu tiên về sự lây nhiễm H5N8 từ gia cầm sang người mặc dù vi rút này đã lưu hành trên gia cầm và chim hoang dã từ năm 2016. Tất cả 7 ca mắc ở người đều không có triệu chứng.

Các khu vực tại châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông và Bắc Phi cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của chủng H5N8 trên gia cầm và chim hoang dã.

Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào về việc vi rút này gây bệnh nặng ở người hay lây truyền từ người sang người, do vậy những trường hợp bệnh này do gia cầm bị nhiễm bệnh lây truyền sang người.

Lần đầu tiên thế giới ghi nhận cúm A H5N8 lây từ gia cầm sang người 1
Nga lần đầu tiên phát hiện virus H5N8 ở người - Ảnh: Tass.com

Đến nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm A H5N8 sang người.

Theo Tiến sĩ Pawin Padungtod, Điều phối viên Kỹ thuật Cấp cao FAO Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, chương trình giám sát của Cục Thú y chưa từng phát hiện thấy vi rút H5N8. Bắt đầu từ năm 2021, Cục Thú y sẽ tăng cường xét nghiệm vi rút H5N8 trong chương trình giám sát cúm gia cầm quốc gia.

Về mặt kỹ thuật, vi rút H5N8 có chung đặc điểm kháng nguyên với vi rút H5N6 đang lưu hành tại Việt Nam, do vậy vắc xin cúm gia cầm hiện tại được sử dụng tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả.

Còn Tiến sĩ Satoko Otsu, Điều phối viên nhóm Các Bệnh Truyền nhiễm và Tình trạng Y tế Khẩn cấp của WHO cho biết: Dù nguy cơ lây nhiễm sang người đối với vi rút cúm gia cầm A (H5N8) ở Việt Nam là rất thấp, nhưng vẫn cần cảnh giác và tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân để phòng chống bệnh cúm gia cầm. 

Lần đầu tiên thế giới ghi nhận cúm A H5N8 lây từ gia cầm sang người 2
Cần cảnh giác và tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ để phòng chống bệnh cúm gia cầm - Ảnh: SKĐS

Lây nhiễm cúm gia cầm ở người do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh. “Chúng ta nên tiếp tục giám sát phối hợp cả ở lĩnh vực y tế và thú y. Cộng đồng có thể tham gia phòng, chống dịch bằng cách báo cáo các trường hợp gia cầm bị bệnh hoặc chết càng sớm càng tốt và đảm bảo thực hành các biện pháp phòng bệnh cá nhân” Tiến sĩ Otsu cho biết thêm.

Các vi rút cúm gia cầm độc lực cao khác, chẳng hạn như H5N1, H5N6 và H7N9, đã được lây truyền từ động vật sang người.

Ở Việt Nam, cúm gia cầm độc lực cao H5N1 đã gây tử vong cho 64 người kể từ khi vi rút này được phát hiện vào năm 2003. Từ năm 2014 tới nay, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp tửu vong nào, nhưng các ổ dịch trên gia cầm vẫn thường xuyên được phát hiện và phải tiêu hủy nhiều đàn gà và vịt.

FAO và WHO Việt Nam khuyến nghị các hành vi sau:

- Đối với người chăn nuôi gia cầm
       * Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại khu vực chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ vi rút xâm nhập;
       * Tuân thủ đúng lịch tiêm phòng và đảm bảo dinh dưỡng tốt cho sức khỏe gia cầm;

       * Báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho trưởng thôn hoặc cơ quan thú y địa phương và không cho phép khách vào khu vực chăn nuôi.
 
- Đối với những người buôn bán gia cầm và những người bán gia cầm tại chợ
       * Chỉ thu gom gia cầm từ nguồn rõ ràng được và bán ở những khu vực được phép trong chợ;
       * Không bán gia cầm bên ngoài chợ;
       * Luôn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm;
       * Sử dụng giày dép riêng do các trang trại chăn nuôi gia cầm cung cấp khi bạn cần vào khu  vực chăn nuôi;
       * Luôn rửa sạch giày dép của bạn khi bạn rời khỏi chợ có bán gia cầm.
 
- Đối với bác sĩ thú y và những người tham gia vào công tác đáp ứng dịch: 
       * Cần luôn sử dụng phương tiên phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm hay nghi ngờ nhiễm bệnh để giảm thiểu nguy cơ bị lây bệnh.

- Đối với cộng đồng
       * Thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và thường xuyên trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với động vật.
       * Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng.
       * Rửa sạch và làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm.
       * Không ăn “tiết canh” gia cầm.
       * Tránh tiếp xúc với động vật ốm hoặc chết.
       * Nếu đã tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi bạn có các triệu chứng đường hô hấp. 
       * Báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương.