Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Dấu hiệu nhận biết mãn kinh sớm và cách phòng ngừa hiệu quả

(VOH) – Thông thường phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh ở tuổi từ 48 – 52, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau chị em có thể gặp phải tình trạng mãn kinh sớm. Vậy như thế nào được gọi là mãn kinh sớm?

1. Tuổi mãn kinh như thế nào được gọi là sớm?

Mãn kinh là thời kỳ mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải trải qua. Hiện tượng này mang tính chất sinh lý và thường xảy ra ở tuổi từ 48 đến 52 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi này có thể thay đổi dựa vào yếu tố thể chất, xã hội và môi trường. Từ 42 – 45 tuổi là giai đoạn tiền mãn kinh, sau giai đoạn tiền mãn kinh 1 – 2 năm, phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh.

Mãn kinh sớm là khái niệm để chỉ tình trạng mãn kinh xảy từ tuổi 40. Nếu trong khoảng thời gian này người phụ nữ không còn chu kỳ kinh nguyệt thì được gọi là mãn kinh sớm.

2. Dấu hiệu, triệu chứng của mãn kinh sớm

Theo TS, BS Tô Mai Xuân Hồng (Giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM), biểu hiện mãn kinh sớm nhất mà bạn có thể nhận biết là hiện tượng không có kinh nguyệt liên tục trong hơn 12 tháng, trừ những trường hợp sau sinh con.

dau-hieu-nhan-biet-man-kinh-som-va-cach-phong-ngua-hieu-qua-voh

Phụ nữ mất kinh nguyệt liên tục trên 12 tháng là dấu hiệu nhận biết mãn kinh sớm (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe khác như:

  • Rối loạn vận mạch với những triệu chứng bốc hỏa, nóng phừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp...
  • Rối loạn đường tiết niệu với tình trạng tiểu đêm nhiều, khó khăn trong việc giữ lại nước tiểu.
  • Rối loạn chức năng sinh dục làm giảm ham muốn và bị đau khi quan hệ.

3. Làm thế nào để chẩn đoán mãn kinh sớm?

TS, BS Tô Mai Xuân Hồng cho biết, khi có tình trạng mất kinh liên tục hoặc các vấn đề bất thường của cơ thể bạn nên đi khám bác sĩ. Tại đây, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá, đo lường nội tiết tố trong cơ thể.

Thông thường, hai xét nghiệm được thực hiện nhiều là xét nghiệm hormone kích thích nang trứng (FSH) và xét nghiệm hormone hoàng thể hóa (LH ). Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy hormone FSH và LH gia tăng thì chứng tỏ bạn đang trong tình trạng mãn kinh sớm.

4. Những yếu tố gây ra tình trạng mãn kinh sớm

Mãn kinh là tình trạng suy giảm chức năng buồng trứng, do đó những yếu tố nào can thiệp trực tiếp vào chức năng buồng trứng đều có thể làm cho tình trạng mãn kinh xảy ra sớm hơn. Cụ thể:

  • Do di truyền: Nếu mẹ của bạn có độ tuổi mãn kinh bắt đầu sớm thì bạn cũng có thể sẽ có tình trạng mãn kinh sớm giống như mẹ. Tuy nhiên, gen chỉ là một nguyên nhân của mãn kinh sớm.
  • Phụ nữ có bệnh lý liên quan đến buồng trứng: Khi bạn mắc phải một số bệnh lý liên quan đến buồng trứng và trong trường hợp buồng trứng bị cắt bỏ sẽ không còn chức năng nội tiết, không thể có kinh nguyệt và dẫn đến mãn kinh sớm.
  • Điều trị ung thư: Những bệnh nhân bị bệnh ung thư, có dùng phương pháp xạ trị và hóa trị có thể gây ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng, khiến buồng trứng không còn hoạt động được nữa, dẫn đến mãn kinh sớm.
  • Yếu tố lối sống: Một số yếu tố có thể tác động đến độ tuổi bắt đầu mãn kinh như: hút thuốc lá, chỉ số BMI thấp, không tập thể dục, ăn chay không khoa học, stress hoặc căng thẳng quá mức...

dau-hieu-nhan-biet-man-kinh-som-va-cach-phong-ngua-hieu-qua-1-voh

Điều trị ung thư có thể là yếu tố khiến phụ nữ gặp phải hiện tượng mất kinh sớm (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, một yếu tố khác vẫn còn đang được nghiên cứu vì chưa có những bằng chứng cụ thể, đó là việc sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản bằng cách kích thích buồng trứng. Kích thích buồng trứng bên cạnh lợi ích là có em bé thì về lâu dài trứng sẽ bị ít đi, mô buồng trứng lại không thể tự sản sinh ra nên sẽ dẫn đến tình trạng nguồn trứng dự trữ bị cạn kiệt sớm hơn so với bình thường.

5. Mãn kinh sớm ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh sớm có thể phải đối mặt với rất nhiều ảnh hưởng trên sức khỏe. Chẳng hạn như:

  • Tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý về tim mạch và loãng xương do thiếu hormone estrogen.
  • Giảm khả năng co thắt các cơ, đặc biệt là cơ bàng quang và cơ niệu đạo.
  • Khiến làn da phụ nữ bị “xuống cấp” với những vấn đề như da nhăn nheo hoặc bị sạm da. Các cơ bên trong cũng bị chùn và nhão.
  • Khiến niêm mạc âm đạo và môi trường xung quanh vùng âm đạo, âm hộ bị khô, dẫn đến giảm ham muốn cũng như bị đau trong quá trình quan hệ.

6. Có thể điều trị hay phòng ngừa mãn kinh sớm được không?

Theo TS, BS Tô Mai Xuân Hồng, cách phòng ngừa tình trạng mãn kinh sớm hiệu quả nhất là ngoài việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, theo dõi hoạt động sức khỏe cơ thể, bạn nên đi khám bác sĩ khi có những biểu hiện bất thường để được tư vấn, khám, kiểm tra, xét nghiệm.

Nếu bạn được chẩn đoán mãn kinh sớm, sẽ được tư vấn điều trị các biện pháp không dùng thuốc như: bỏ thuốc lá, không dùng chất kích thích, ăn uống đủ chất, tăng cường tập thể dục.... Hoặc bác sĩ sẽ đề nghị bạn sử dụng liệu pháp thay thế hormone để giúp cơ thể bổ sung hormone estrogen nhằm trì hoãn thời kỳ mãn kinh sớm cũng như cải thiện các triệu chứng do suy giảm nội tiết tố nữ gây ra.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

 
Bình luận