Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 70 ca rắn cắn, với cao điểm trong các tháng 7, 8, 9 và 10. Đặc biệt, nhiều trường hợp không kịp đưa đến bệnh viện mà lại sử dụng các biện pháp dân gian không đúng cách, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chậm trễ trong điều trị.
Rắn lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn lục có nọc độc gây rối loạn đông máu, với biểu hiện ban đầu là chảy máu tại vết cắn và sưng nề nhanh chóng. Các trường hợp không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết tạng, thậm chí tử vong.
Mùa mưa là thời điểm rắn lục đuôi đỏ di chuyển đến khu vực dân cư tìm nơi trú ngụ trên bờ cao hoặc cây cối gần nhà do môi trường tự nhiên bị thu hẹp. Bác sĩ khuyến cáo khi vô tình bị rắn cắn, cần sơ cứu đúng cách và đưa nạn nhân đến bệnh viện nhanh nhất có thể.
Hướng dẫn sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn
- Bình tĩnh và trấn an nạn nhân: Đặt phần bị cắn thấp hơn tim để làm chậm quá trình hấp thu độc tố.
- Rửa sạch vết thương: Rửa vết cắn nhẹ nhàng và giữ vùng bị cắn ở vị trí cố định.
- Không sử dụng các biện pháp dân gian không đúng cách: Không nên rạch vết thương, đắp lá hoặc các loại thuốc nam, hoặc garo quá chặt ở vị trí vết cắn. Những biện pháp này không giúp loại bỏ độc tố mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây chảy máu khó cầm.
Các bác sĩ khuyến cáo rằng, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, cách duy nhất để ngăn ngừa nguy hiểm là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời và đúng cách.