Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hormone là gì và có vai trò như thế nào trong các hoạt động của cơ thể?

(VOH) – Chúng ta thường nghe nhiều đến từ 'hormone' nhưng lại không biết đó là gì, đóng vai trò gì trong cơ thể. Vậy thực chất hormone là gì, có vai trò gì...cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết sau.

1. Hormone là gì?

Hormone (hay còn gọi là nội tiết tố) là thuật ngữ dùng để chỉ một chất hóa học (chất hữu cơ) được sản xuất bởi một hoặc nhiều nhóm tế bào đặc biệt và từ tuyến nội tiết, bao gồm: tuyến thượng thận, tuyến yên, tuyến tụy, tuyến tùng, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến cận giáp, buồng trứng, tinh hoàn, vùng hạ đồi, ,...

Hormone có cấu trúc hóa học đa dạng, chủ yếu gồm 3 lớp: eicosanoids, steroid và chất dẫn xuất axit amin/ protein. Các phân tử hormone tuyến nội tiết được tiết trực tiếp vào trong dòng máu, trong khi các hormone ngoại tiết sẽ được tiết vào các ống dẫn, từ đó chúng có thể chảy vào máu hoặc truyền từ tế bào này qua tế bào khác bằng cách khuếch tán.

Hormone được vận chuyển bằng hệ thống tuần hoàn (truyền trong máu) nhằm đi đến các cơ quan ở xa trong cơ thể để điều tiết sinh lý và hành vi.

1.1 Hormone đóng vai trò gì trong cơ thể?

Hormone làm nhiệm vụ giống như “người đưa thư”. Chúng gửi các tín hiệu đến các cơ quan, các mô và các tế bào thông qua đường máu để thực hiện chức năng vốn có tại khu vực nhận. Các tế bào thường sẽ có phản ứng lại hormone khi chúng tiếp nhận hormone đó.

hormone-la-gi-va-co-vai-tro-nhu-the-nao-trong-cac-hoat-dong-cua-co-the-voh

Hormone tham gia vào nhiều hoạt động trong cơ thể (Nguồn: Internet)

Như vậy, một số vai trò quan trọng của hormone đối với cơ thể có thể kể đến là:

  • Tham gia điều hòa quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể.
  • Tham gia quá trình điều hòa quá trình trao đổi chất và năng lượng. Quá trình chuyển hóa, dự trữ và biến đổi của vật chất và năng lượng trong cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào hormone.
  • Tham gia điều hòa sự cân bằng nội môi của dịch nội bào và ngoại bào.
  • Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển các tế bào hoặc các mô.
  • Tham gia điều tiết sự thích nghi của cơ thể với môi trường.
  • Tham gia điều tiết quá trình sinh sản, chức năng tình dục.
  • Duy trì nhiệt độ cơ thể.

2. Có bao nhiêu loại hormone?

Cơ thể con người có hơn 100 loại hormone khác nhau. Chúng tác động một cách chậm rãi, không ngừng nghỉ đến nhiều quá trình, cơ quan trong cơ thể. Một số loại hormone điển hình có thể kể đến như:

2.1 Hormone GnRH (Gonadotropin releasing hormone)

GnRH là hormone được tiết ra từ các nơron vùng dưới đồi có tác dụng kích thích tuyến yên tăng cường tiết các hormone gonadotropin (FSH và LH) để kích hoạt và tăng cường sự phát triển của tế bào trứng, sự rụng trứng và hình thành thể vàng.

Nhờ cơ chế tác dụng thuận chiều, GnRH còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mối tác động ngược dương tính của estrogen để tăng cường tiết LH để kiểm soát mối tác động ngược âm tính của progesterone để đảm bảo sự tồn tại của thể vàng.

2.2 Hormone estrogen (kích tố bao noãn)

Estrogen là hormone được sản xuất chủ yếu bởi buồng trứng. Tác dụng chủ yếu của estrogen:

  • Lên cơ quan sinh sản: Giúp phát triển nang trứng, giúp âm đạo phát triển đạt kích thước chuẩn, tăng độ dày ống dẫn trứng, tăng cường và duy trì chất nhầy ở tử cung....
  • Tạo nên sự khác biệt cơ thể giữa nam và nữ như: làm xương nữ giới nhỏ hơn, lưu trữ chất béo quanh mông và đùi, lớp lông mềm mỏng và ít, tóc nhiều hơn....
  • Kích thích sự phát triển của tuyến vú.
  • Estrogen cũng có những tác động đến não, da, xương, gan và cả tim.

2.3 Hormone Prostaglandin

Prostaglandin (PG) là một nhóm lipid được tiết ra từ tuyến tiền liệt ở nam giới hay từ nội mạc của ống sinh dục (tử cung, âm đạo) ở nữ giới. Prostaglandin có nhiều loại, nhưng loại có hoạt tính mạnh nhất là PGF2α. Tác dụng chủ yếu:

  • Phá vỡ màng noãn bao để gây rụng trứng.
  • Phá hủy thể vàng, nang nước trên buồng trứng.
  • Gây hưng phấn ống sinh dục, tăng cường nhu động tử cung, kích thích mở cổ tử cung. Chính tác dụng này nên Prostaglandin còn được ứng dụng trong gây đẻ nhân tạo và trợ sản những ca đẻ khó, rặn đẻ yếu.

2.4 Hormone Androgen

Hormone androgens có thể được gọi là nội tiết tố nam, nhưng cả cơ thể đàn ông và phụ nữ đều sản xuất androgen, chỉ với số lượng khác nhau. Androgens gồm có 3 loại nhưng điển hình nhất chính là testosterone – androgens chính của nam giới.

hormone-la-gi-va-co-vai-tro-nhu-the-nao-trong-cac-hoat-dong-cua-co-the-1-voh

Hormone androgens thường tạo nên các đặc điểm của phái mạnh (Nguồn: Internet)

Một số chức năng của testosterone trong cơ thể nam bao gồm:

  • Bắt đầu và hoàn thành quá trình dậy thì.
  • Phát triển xương và cơ.
  • Sự phát triển của lông trên cơ thể, bao gồm cả lông mặt.
  • Thay đổi dây thanh âm để tạo ra giọng nam trưởng thành.
  • Ham muốn tình dục (libido) và chức năng tình dục.
  • Tăng trưởng và chức năng tuyến tiền liệt.
  • Sản xuất tinh trùng.

2.5 Hormone Oxytocin

Oxytocin do thùy sau tuyến yên sản xuất, có vai trò hỗ trợ tiết sữa, co bóp tử cung thúc đẩy quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.

Ngoài ra, vai trò của hormone oxytocin còn giúp kích thích bài tiết sữa, tăng tình cảm gắn kết giữa mẹ và con, giúp giảm stress, giúp kéo dài tuổi, cải thiện “chuyện ấy” và có thể giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội.

2.6 Prolactin (LTH - Luteo tropin hormone)

Prolactin là một loại protein có vai trò quan trọng trong việc sản xuất và tiết sữa. Prolactin được sản xuất ra từ thùy trước của tuyến yên và tiết theo từng giai đoạn nhằm đáp ứng các vấn đề về ăn uống, giao hợp, điều trị liên quan đến estrogen, quá trình rụng trứng và vai trò quan trọng nhất là kích thích sản xuất sữa.

2.7 Inhibin

Inhibin là hormone tham gia vào quá trình điều hòa sự phân tiết FSH, giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa hoạt động sinh dục và rụng trứng ở nữ giới.

3. Dấu hiệu mất cân bằng hormone và cách cân bằng

hormone-la-gi-va-co-vai-tro-nhu-the-nao-trong-cac-hoat-dong-cua-co-the-2-voh

Căng thẳng, mệt mỏi là một trong những dấu hiệu của chứng mất cân bằng hormone (Nguồn: Internet)

Tất cả các hormone trong cơ thể sẽ hoạt động cùng nhau tạo ra hệ nội tiết ổn định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan như môi trường tác động và cả chủ quan như thời gian biểu sinh hoạt không hợp lý, chế độ ăn uống không lành mạnh… hệ thống hormone thường bị mất cân bằng dẫn đến rối loạn. Rối loạn hormone, dù thiếu hụt hay dư thừa, kể cả một lượng rất nhỏ cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là phụ nữ.

Mất cân bằng hormone có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, làn da, chất lượng giấc ngủ và cả nguồn năng lượng làm việc của bạn. Nếu bạn thường xuyên thấy mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm, hay lo âu, nóng trong người, nổi mụn (nhất là ở vùng cằm, hai bên má, đôi khi là vùng lưng), tăng cân hoặc giảm cân bất thường, và thường xuyên cáu giận, đó chính là dấu hiệu bạn đang mất cân bằng nội tiết tố.

Để cân bằng lại hormone bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám chính xác. Trong các trường hợp, bác sĩ có thể sẽ cho bạn dùng các thuốc khác khôi phục lại sự cân bằng lượng hormone trong cơ thể của bạn, sử dụng liệu pháp thay thế hormone hoặc những phương pháp khác.

Bình luận