Làm gì khi con dậy thì sớm ?

(VOH) - Trẻ dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng gì đến tâm lí sức khỏe, nguyên nhân là do đâu và cách điều trị ra sao?

Nguyên nhân trẻ dậy thì sớm

Tuổi dậy trung bình ở các trẻ là từ 8-12 tuổi đối với bé gái và bé trai từ 9-14 tuổi. Nếu dậy thì sớm là trước 8 tuổi đối với bé gái và trước 9 tuổi đối với bé trai. Các nguyên nhân chính dẫn đến dậy thì sớm:

Thừa cân, béo phì: dư mỡ thừa hoặc dư mô mỡ trong cơ thể làm thay đổi hàm lượng estrogen, insulin và leptin - tăng nguy cơ dậy thì sớm. Cách tốt nhất là khuyến khích trẻ tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời ít nhất 3 lần mỗi tuần, 30 phút/lần.

Các hóa chất từ môi trường: phthalates – là một dạng của hóa chất tiềm ẩn có trong mỹ phẩm, keo xịt tóc và chất khử mùi, cũng có khả năng dẫn tới phát triển ngực sớm ở bé gái.

Ăn vặt không lành mạnh: hạn chế tối đa ăn các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn (2-3 lần/tuần). Hàm lượng chất béo động vật làm tăng trưởng insulin dẫn đến việc dậy thì sớm.

Thay đổi hormone: xã hội và gia đình cần lưu tâm đến vấn đề này. Tiếp xúc phim ảnh người lớn, phim hành động bạo lực cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến não, đặc biệt là tuyến yên. Tuyến yên khi bị kích động sẽ bài tiết ra gonadotropin, kích thích các tinh hoàn hoặc buồng trứng sản sinh hormone giới tính testosteron và estrogen, từ đó gây dậy thì sớm.

Suy dinh dưỡng: một số trẻ kén ăn khiến các bậc cha mẹ để con tự do hấp thụ những thực phẩm nhiều đường và chất béo. Do thói quen sai lầm này làm gián đoạn chu kỳ nội tiết nên một số trẻ tuy suy dinh dưỡng nhưng vẫn có nguy cơ dậy thì sớm.

Ảnh Thụy Ngân

Thực phẩm gây ra dậy thì sớm ở trẻ

Các loại thực phẩm sau đây bị “buộc tội” là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ:

Thịt cổ gia cầm: đây là loại thực phẩm được khuyến cáo là không dành cho trẻ. Do gia cầm hiện nay chủ yếu đều được ăn thức ăn có thuốc kích thích tăng trưởng, mà những chất này khi gia cầm ăn vào sẽ tích tụ chủ yếu ở phần từ cổ trở lên đầu.

Khi trẻ ăn nhiều phần đầu gia cầm vô tình ăn luôn cả chất kích thích khiến cho cơ thể trẻ cũng giống như được cho ăn thực phẩm "kích thích phát triển".

Rau củ trái mùa: loại thực phẩm này cũng giống như gia cầm, đa phần đều là thực phẩm được “thúc nhanh chín”. Việc trồng rau quả trái mùa và ép trái cây phải chín bằng chất hóa học sẽ để lại tồn dư chất độc này trong rau củ trái cây. Trẻ em ăn vào sẽ tạo ra nguy cơ mắc bệnh dậy thì sớm.

Thức ăn nhanh, chiên, rán nhiều dầu mỡ: đây là loại thực phẩm yêu thích ở hầu hết trẻ nhỏ. Thức ăn được chế biến trong nhiệt độ cao sẽ làm mất chất dinh dưỡng cần thiết ở trẻ.

Nếu ăn những món này quá thường xuyên, dầu ăn được tái sử dụng trong quá trình chế biến ở nhiệt độ cao tạo ra oxy hóa. Đây cũng là một trong những lý do khiến trẻ "phổng phao" trên mức cần thiết.

Thực phẩm chức năng: Nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi thấy con mình thấp bé, thua các bạn đồng trang lứa nên tìm cách bổ sung cho con những loại thực phẩm chức năng không cần thiết khi trẻ đang trong độ tuổi trước dậy thì.

Điều này còn nguy hiểm hơn việc cứ để trẻ "thua thiệt chiều cao một chút" nhưng phát triển tự nhiên. Đến tuổi trưởng thành bé sẽ cao lớn vạm vỡ mà không cần phải "thúc" bằng thuốc.

Thực phẩm “con nhà giàu”: Nhiều đứa trẻ khi sinh ra đã là những “cô chiêu cậu ấm” nên việc được cha mẹ bồi bổ cho những “siêu thực phẩm” là điều hết sức bình thường. Theo các chuyên gia Đông y, những loại thuốc bổ đặc biệt này đều có tác động lớn đến môi trường nội tiết, dẫn đến sự mất cân bằng về thể chất và tinh thần đối với sự phát triển bình thường của trẻ em.

Nội tạng động vật: khi các bà mẹ dùng nội tạng động vật để chế biến món ăn cho trẻ em cần lưu ý không chỉ về chất lượng mà còn cả số lượng và chủng loại. Bởi vì một món ăn nếu nấu quá nhiều thứ nội tạng với nhau với trọng lượng cao, quá đậm đặc sẽ biến thành một món ăn "kích thích" phát triển ở mức độ cao.

Món ăn đó có thể chứa nhiều hormone tuyến giáp, tuyến sinh dục…thúc đẩy sự phát triển nhanh ở trẻ.

Hậu quả của việc dậy thì sớm ở trẻ

Trẻ dễ bị sốc, bị tự kỉ, trầm cảm.

Tâm trạng không ổn định, dễ cáu gắt.

Thích thể hiện cái tôi, dễ mắc sai lầm và đua đòi theo việc làm xấu.

Có nhu cầu tình dục theo bản năng chứ chưa nhận thức được nên dễ bị mắc sai lầm hoặc bị kẻ xấu lợi dụng.

Trẻ dậy thì sớm thường có cơ thể nhỏ, lùn vì đầu xương sớm đóng kín khi quá trình dậy thì kết thúc.

Cách phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ

Cần chế độ dinh dưỡng hợp lý gồm

Tăng cường rau củ quả cho trẻ trong bữa ăn hằng ngày.

Đảm bảo lượng đạm đầy đủ, không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ...

Không tẩm bổ quá mức, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán... chứa nhiều chất béo khiến trẻ thừa dinh dưỡng.

Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, không rõ nguồn gốc, thực phẩm chứa hormon tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới dậy thì sớm.

Khuyến khích trẻ năng vận động: vận động sẽ giúp trẻ tiêu hao năng lượng như các môn bơi, nhảy dây, đạp xe, đá bóng, đá cầu,…

Nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết ở trẻ em (nội tiết nhi khoa) để chẩn đoán xác định cần làm một số xét nghiệm cận lâm sàng.