Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Người đàn ông nhầm tưởng tai nạn giao thông, phát hiện đột quỵ não nguy hiểm

VOH - Một nam bệnh nhân 48 tuổi ở Hà Nội nhập viện sau va chạm giao thông, nhưng khi thăm khám phát hiện mắc đột quỵ não nghiêm trọng.

Bệnh viện E (Hà Nội) đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 48 tuổi được đưa vào cấp cứu do nghi ngờ bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám và điều trị, các bác sĩ bất ngờ phát hiện bệnh nhân thực chất đang bị đột quỵ não – một tình trạng cấp tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu Bệnh viện E, cho biết người bệnh nhập viện với các triệu chứng như yếu nửa người, đau đầu, và nói khó. Sau khi xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ do tắc động mạch não trái, gây nhồi máu não trái nghiêm trọng.

Theo khai thác từ bệnh án, bệnh nhân có tiền sử mỡ máu cao và thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá – các yếu tố gia tăng nguy cơ đột quỵ. Vào ngày trước khi xảy ra tai nạn, người bệnh đã có các dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) như tê yếu một bên tay và chân, đau đầu dữ dội, chóng mặt, giảm thị lực, và khó nói. Tuy nhiên, người bệnh chủ quan cho rằng các triệu chứng này là do say rượu nên đã tự nghỉ ngơi tại nhà mà không đến cơ sở y tế để kiểm tra. Chính vì sự chủ quan này, bệnh nhân không phát hiện được các dấu hiệu cảnh báo, dẫn đến đột quỵ xảy ra bất ngờ khi đang điều khiển xe ô tô.

Tai nạn giao thông xảy ra là kết quả của cơn đột quỵ đột ngột, khiến bệnh nhân va chạm và nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E.

Bản sao của thumb liên cầu lợn (25)
Bệnh nhân bị đột quỵ não nguy hiểm . Ảnh: BVCC

Ngay khi xác định bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, quy trình cấp cứu đột quỵ đã được kích hoạt. Để cứu sống và giảm thiểu các di chứng nghiêm trọng, đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện E đã nhanh chóng thực hiện phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, giúp loại bỏ cục máu đông gây tắc động mạch não.

Can thiệp này được tiến hành trong thời gian “giờ vàng” (3 - 4,5 giờ sau khi khởi phát các triệu chứng), nhờ đó máu được tái thông đến não bộ, giảm thiểu tối đa các di chứng và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, đặc biệt là khi được cấp cứu trong thời gian “giờ vàng”. Theo ThS.BS Vĩnh Yên, sự kịp thời này đã giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ tổn thương nghiêm trọng và di chứng thần kinh.

ThS.BS Vĩnh Yên cho biết, đột quỵ thường có những dấu hiệu cảnh báo trước, có thể xuất hiện vài giờ, một ngày hoặc thậm chí vài tuần trước khi cơn đột quỵ nghiêm trọng thực sự xảy ra. Những dấu hiệu này bao gồm: miệng méo, cử động tay chân yếu hoặc khó khăn, nói ngọng hoặc khó phát âm, giảm thị lực, chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội. Tuy nhiên, do những triệu chứng này có thể không rõ ràng hoặc dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe thông thường, nhiều người thường chủ quan và bỏ qua cơ hội điều trị sớm.

Ông cũng lưu ý rằng nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng bỏ qua các triệu chứng nhẹ, cho rằng mình có sức khỏe tốt và không có nguy cơ mắc đột quỵ. Đây là một sai lầm nguy hiểm, vì đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, và việc bỏ qua dấu hiệu cảnh báo có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là nếu người bệnh nhập viện muộn và không được can thiệp kịp thời.

Hiện nay, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng ở người trẻ tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm: thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động, thừa cân, béo phì, thức khuya, căng thẳng và stress trong cuộc sống. Đây là những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở nhóm tuổi từ 20 đến 40, lứa tuổi thường ít quan tâm đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Theo ThS.BS Vĩnh Yên, các yếu tố như lối sống không lành mạnh, áp lực công việc và cuộc sống hiện đại cũng góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Việc phát hiện và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu các di chứng, bảo toàn tối đa chức năng thần kinh và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau đột quỵ.

Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên có ý thức phòng tránh đột quỵ bằng cách thay đổi lối sống và tăng cường kiểm tra sức khỏe.