Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Rối loạn phổ tự kỷ là gì? Làm sao nhận biết và điều trị kịp thời

(VOH) – Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có thể gây ảnh hưởng nhiều đến học tập, giao tiếp về lâu dài. Việc nhận biết các dấu hiệu cũng như cách xử lý sẽ giúp cho trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Theo nhiều số liệu thống kê, tỷ lệ chẩn đoán trẻ bị chứng rối loạn phổ tự kỷ đang ngày càng tăng lên. Mặc dù ở Việt Nam chưa có những con số thống kê và nghiên cứu chính thức, nhưng thông qua những số liệu thống kê tại các bệnh viện cũng như sức khỏe tâm lý trẻ em đã cho thấy đây là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là với các gia đình có con nhỏ.

1. Rối loạn phổ tự kỷ là gì?

Rối loạn phổ tự kỷ (hay còn gọi là chứng tự kỷ) là một khuyết tật về mặt phát triển suốt đời của trẻ, có thể được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Đây là một rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến các hoạt động của não bộ. Có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào, không phân biệt giới tính hay chủng tộc,...

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được đâu là nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, trẻ có thể bị tự kỷ khi còn trong bụng mẹ, môi trường bên ngoài sau khi trẻ sinh ra ít có khả năng tác động.

roi-loan-pho-tu-ky-la-gi-lam-sao-nhan-biet-va-dieu-tri-kip-thoi-voh

Rối loạn phổ tự kỷ là một khuyết tật về mặt phát triển suốt đời của trẻ (Nguồn: Internet)

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (BV Nhi Đồng TP), chứng rối loạn phổ tự kỷ được thể hiện trong 3 nhóm lĩnh vực chính, đó là:

  • Hạn chế sự tương tác với người khác trong nhiều bối cảnh: Một em bé bị tự kỷ khả năng tương tác với người khác sẽ rất hạn chế. Ví dụ như, khi gọi trẻ thì trẻ ít quay lại, trẻ không có tiếp xúc mắt với mọi người, không chơi chung với bạn, hoặc có ngồi chơi thì sẽ ngồi chơi riêng, không tương tác qua lại... Ngoài ra, trẻ còn gặp khó khăn trong việc kết bạn với người khác .
  • Hạn chế về giao tiếp: Trẻ mắc chứng tự kỷ khả năng giao tiếp cũng sẽ hạn chế, thể hiện rõ nhất qua việc chậm nói, cụ thể trẻ 2 - 3 tuổi vẫn chưa nói được. Không biết thể hiện ngôn ngữ cơ thể, hay nhạy lời (hay lặp lại lời người lớn nói), hay phát ra những âm thanh vô nghĩa. Trẻ có thể không hiểu hoặc không biết sử dụng những cử chỉ điệu bộ trong giao tiếp .
  • Hành động rập khuôn: Một trẻ mắc chứng tự kỷ bé thường có sở thích tự xoay tròn hoặc thích nhìn những vật chuyển động tròn, ví dụ như là nhìn cánh quạt, chong chóng quay… hoặc thích sắp xếp đồ vật thành hàng thẳng và rất khó thích nghi được với những sự thay đổi.

Đây là những dấu hiệu trẻ tự kỷ đặc trưng nhất mà cha mẹ có thể nhận thấy. Mặc dù không phải trẻ tự kỷ nào cũng sẽ có đầy đủ các dấu hiệu, đôi khi trẻ chỉ thể hiện một số dấu hiệu trong đó, tuy nhiên, nếu cha mẹ lo lắng thì nên đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý để hỗ trợ kịp thời.

2. Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có thể can thiệp bằng cách nào?

Bác sĩ Vương Nguyễn Toàn Thiện cho biết, do các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến chứng rối loạn phổ tự kỷ cho nên hiện vẫn chưa có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm chứng tự kỷ này. Tuy nhiên, trẻ bị tự kỷ vẫn có thể được can thiệp bằng cách phương pháp giúp cải thiện triệu chứng, hành vi. 

roi-loan-pho-tu-ky-la-gi-lam-sao-nhan-biet-va-dieu-tri-kip-thoi-1-voh

Trẻ tự kỷ thường được hỗ trợ điều trị bằng các biện pháp can thiệp giúp cải thiện triệu chứng, hành vi (Nguồn: Internet)

Hiện nay, trong cộng đồng có nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị trẻ tự kỷ, bao gồm: dùng thực phẩm chức năng, ngồi thiền, thở oxy cao áp, châm cứu cấy chỉ hay giáo dục chuyên biệt,... Cha mẹ có thể tìm hiểu và lựa chọn các phương pháp can thiệp phù hợp với khả năng của trẻ cũng như điều kiện kinh tế gia đình, bởi các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ sẽ tốt rất nhiều thời gian, có thể mất rất nhiều năm.

Lời khuyên: Đối với trẻ tự kỷ, việc nhận biết và tiến hành điều trị sớm là cực kỳ quan trọng. Rất nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy, trẻ trong giai đoạn trước 36 tháng tuổi (trước 3 tuổi) chính là “thời điểm vàng” để tiến hành can thiệp. Vì thế, cha mẹ nếu có nghi ngờ hãy đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm lý để được hướng dẫn các biện pháp can thiệp đúng và phù hợp nhằm cải thiện cho con.

Bạn có thể xem lại nội dung ngắn gọn tại video dưới đây:

Bình luận