Rượu thuốc và những điều lưu ý trước khi sử dụng

(VOH) - Nhiều người cho rằng rượu thuốc hoàn toàn lành tính và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, chuyên gia Đông y nhấn mạnh, rượu thuốc ngâm không đúng cách có thể trở thành rượu độc.

1. Rượu thuốc là gì?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, rượu là một chất dẫn, giúp tan các hóa chất có trong các loại thuốc mà chúng ta ngâm. Thuốc thường được dùng để ngâm rượu là các dược liệu có tác dụng chữa bệnh, có thể là động vật (rắn, rết, trăn, tắc kè, gấu,…) hoặc các thảo dược (đinh lăng, hạt gấc, sâm linh chi,…), ngoài ra người thầy thuốc cũng có thể sử dụng một số hóa chất, khoáng chất để ngâm rượu.

ruou-thuoc-va-nhung-dieu-luu-y-truoc-khi-su-dung-voh

Rượu ngâm với các loại động vật, thực vật, khoáng chất,...được gọi là rượu thuốc (Nguồn: Internet)

2. Rượu thuốc có tác dụng gì?

Bác sĩ Bay cho biết, rượu thuốc thường có 2 loại là loại uống trong và loại rượu thuốc xoa bóp.

2.1 Rượu thuốc dạng uống

Đối với rượu thuốc dạng uống, người ngâm thường sử dụng rượu có độ cồn từ 40 – 45 độ. Theo kinh nghiệm của người xưa truyền lại thì “ăn gì bổ nấy”, tức là nếu muốn bổ tạng thì dùng các tạng của động vật để ngâm rượu. Ví dụ như nếu muốn bổ dương cho đàn ông thì lấy tinh hoàn hoặc các bộ phận sinh dục của hổ, dê, gấu,…để ngâm rượu và uống. 

Ngoài ra, các loại rượu ngâm rắn cũng có thể chữa một số bệnh như làm tan máu trong trường hợp bị huyết khối.

2.2 Rượu thuốc dạng xoa ngoài

Rượu thuốc xoa bên ngoài da thường dùng loại rượu có độ cồn từ 70 – 90 độ. Đây là loại rượu thuốc được dùng phổ biến vì dễ sử dụng. Rượu thuốc xoa bóp ngoài da có những tác dụng sau đây:

  • Rượu thuốc có tác dụng se các protein lại giúp bịt kín lỗ chân lông nên rất thích hợp cho những phụ nữ sau sinh. Phụ nữ sau sinh thoa rượu thuốc hoặc tắm rượu thuốc sẽ tránh được tình trạng bị nhiễm lạnh. 
  • Xoa rượu thuốc để hạ sốt cho những trường hợp sốt cao.
  • Rượu thuốc dùng để sát trùng, rửa vết thương.
  • Rượu thuốc xoa bóp ngoài da giúp giãn cơ, giảm đau nhức xương khớp.
  • Rượu thuốc còn giúp tan máu bầm.

Nhìn chung, rượu thuốc dạng uống hay dạng thoa ngoài da đều có những tác dụng dược lý nhất định, tùy vào dược liệu ngâm rượu mà rượu thuốc sẽ có tác dụng chữa bệnh khác nhau. 

3. Một số lưu ý khi sử dụng rượu thuốc

ruou-thuoc-va-nhung-dieu-luu-y-truoc-khi-su-dung-voh

Trước khi ngâm hoặc sử dụng rượu thuốc cần hỏi ý kiến của các chuyên gia (Nguồn: Internet)

  • Bác sĩ Bay cho biết, rượu có thể làm tan hết các chất có trong dược thảo, kể cả những chất không tan được trong nước như alkaloid. Khi sử dụng alkaloid với liều cao có thể gây ngộ độc. Vì vậy, hãy thận trọng khi uống các loại rượu thuốc, tốt nhất nên sử dụng với liều lượng vừa phải, không lạm dụng.
  • Các dược liệu ngâm rượu có thể được người bán tẩm lưu huỳnh hoặc hóa chất bảo quản. Vì vậy, nếu ngâm rượu thuốc không đúng cách sẽ sinh ra độc tính.
  • Khi sử dụng dược liệu ngâm rượu phải tìm hiểu kỹ lưỡng vì trên thực tế có nhiều dược liệu có hình dáng giống nhau nhưng tác dụng không giống nhau.
  • Nếu sát trùng vết thương thì chỉ nên sử dụng rượu có độ cồn là 70 độ, vì nếu độ cồn quá cao có thể dẫn đến bỏng da.
  • Trước khi sử dụng rượu thuốc dạng uống hoặc thoa ngoài nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

Như vậy, rượu thuốc có tác dụng chữa một số bệnh như đau nhức, phòng tránh nhiễm lạnh cho phụ nữ sau sinh hoặc dùng để sát trùng, rửa vết thương, tan máu bầm…hay thậm chí rượu thuốc còn giúp bồi bổ cho sức khỏe nam giới. Tuy nhiên, trước khi ngâm hoặc sử dụng bất kỳ loại rượu thuốc nào hãy tham khảo ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn.

Xem nội dung nhanh hơn bằng video này: