Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyến khích sản phụ nên sinh thường nếu có thể, vì một đứa trẻ sinh thường sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn một đứa trẻ sinh mổ. Nói như vậy, cũng không có nghĩa là, sản phụ kiên quyết sinh thường trong tình trạng có nhiều nguy cơ cho sức khỏe của mẹ và bé.
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Nhung, nguyên Phó giám đốc bệnh viện Hùng Vương, trẻ sinh mổ có nhược điểm so với đứa trẻ sinh thường, do hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ sau 6 tháng mới bằng với một đứa trẻ được sinh thường.
Hệ miễn dịch liên quan sức đề kháng cơ thể của trẻ, trẻ dễ bị mắc bệnh nhiễm trùng mà không có khả năng chống đỡ, nên trẻ hay mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy… nhiều hơn những đứa trẻ sinh thường.
Nghe Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Thị Nhung tư vấn
Hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ sau 6 tháng mới bằng với một đứa trẻ được sinh thường. Ảnh: internet
Khi sinh mổ, các bác sĩ phải sát trùng thành bụng của người mẹ rất kỹ để trẻ được sinh ra trong môi trường vô trùng, không bị tiếp xúc với những vi khuẩn thường trú ở da hay đường sinh dục của mẹ.
Tuy nhiên, trong những loại vi khuẩn mà trẻ sinh mổ "không được phép" tiếp xúc đó thì có cả những vi khuẩn tốt, có lợi cho trẻ. Những vi khẩn có lợi này khi trẻ hấp thụ vào cơ thể, chúng sẽ phát triển và giúp sự tiêu hóa ở trẻ được tốt.
Do đó, khi trẻ có hệ miễn dịch tốt sẽ ít mắc những bệnh thông thường, trẻ khỏe mạnh hơn, lớn nhanh hơn. Để trẻ sinh mổ phát triển bằng trẻ sinh thường thì phải cho bú mẹ hay dùng sữa tốt, có chất giúp đường ruột tiêu hóa tốt như trẻ sinh thường,…
Bác sĩ Nhung khuyến cáo, sản phụ chỉ nên sinh mổ khi không thể sinh qua âm đạo, khung xương chậu hẹp, con to không thể sinh thường được, ngôi thai bất thường như: ngôi mông, ngang, mẹ bị bệnh hiểm nghèo, dây rốn quấn cổ,… khi đó chọn phương pháp sinh mổ là tốt và đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Ngày nay, việc sinh mổ được hỗ trợ bằng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại so với ngày trước như: gây mê hồi sức, vệ sinh vô trùng, sát khuẩn diệt trùng, kỹ thuật mổ, truyền máu an toàn,… giúp cho kỹ thuật mổ lấy thai ngày càng an toàn và phát triển hơn.
Trường hợp sinh mổ vì chọn ngày giờ tốt hay sản phụ sợ đau, muốn sinh nhanh,… trẻ không qua quá trình chuyển dạ, trẻ dễ bị suy hô hấp cấp vì lồng ngực không được ép để đẩy sạch những chất nhờn, trẻ có nguy cơ bị cao áp phổi tồn lưu và sau này hay mắc các bệnh về hô hấp.
Ngoài ra, việc chăm sóc sản phụ sau sinh cũng có những khác biệt giữa sinh thường và sinh mổ. Cũng theo bác sĩ Nhung, sản phụ sinh bằng phương pháp mổ dễ nhiễm trùng thành bụng, phải chăm sóc vết mổ kỹ hơn, đảm bảo vết mổ sạch sẽ, hạn chế nằm lâu, ít cử động vì dễ có nguy cơ bệnh huyết khối.