Tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam tăng 9 bậc

(VOH) - Tại nước ta cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) 2020 cho thấy tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Tỉ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020, và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp 50/185 sau 2 năm. Những con số này cho thấy tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh.

Tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam tăng 9 bậc, cần chú ý các loại ung thư phổ biến 1
Chế độ ăn uống khoa học góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư. Ảnh minh họa: PN

Các loại ung thư phổ biến mà cả nam giới và nữ giới đều mắc phải là ung thư gan, phổi, dạ dày và đại trực tràng. Nếu xét riêng từng giới tính, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư).

Theo các chuyên gia y tế, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào tình trạng nặng hơn do việc giãn cách xã hội, tâm lý lo lắng về COVID-19, việc bị phong tỏa, sụt giảm về kinh tế...

Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, khi phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí, ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế.

Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư. Ngoài ra nên thực hiện những khuyến cáo dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh:

Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích...

Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp: ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng ....

Xây dựng chế độ tập luyện; nghỉ ngơi hợp lý; giữu tinh thần thoải mái; tích cực.

Sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn.

Thực hiện tiêm chủng đầy đủ: viêm gan B; HPV…