Tin đồn thất thiệt trong y khoa nguy hiểm thế nào?

(VOH) - Tin đồn về phương thuốc gia truyền, bí truyền “chữa một lần sẽ khỏi” gây nhiều tranh cãi.

Tin đồn thất thiệt là gì?

Tin đồn thất thiệt là thông tin được truyền miệng nhau và chưa hề được chứng minh hay nhìn nhận chính xác về nó. Với các bài thuốc truyền miệng, người dễ tin và áp dụng ngay theo những tin đồn này thì sớm muộn cũng bị “thất thoát” và “thiệt hại”.

Với các bác sĩ, đứng trước tin đồn thất thiệt chia làm hai nhóm thái độ: một “im lặng là vàng”, không mất lòng ai. Hai là phản bác, không phải là để bảo vệ quan điểm bản thân mà để ngăn chặn kết quả xấu xảy ra trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.

Cây thuốc quý “chữa bá bệnh”

Trong các loại tin đồn y khoa thì phổ biến nhất là về một cây thuốc nào đó có thể “trị được bá bệnh”.

Nhiều bệnh nhân tự đọc trên mạng và tự định bệnh cho mình thông qua triệu chứng na ná mà không cần phải qua thăm khám, chẩn đoán từ bác sĩ. Việc này gây nhiều hậu quả và nguy cơ tiềm ẩn cho chính người bệnh.

Ngoài ra, người bệnh còn tâm lý cho rằng bác sĩ chữa trị hời hợt, không đúng phương pháp nên không hết bệnh dẫn đến tự ý tìm hiểu và nghe theo lời đồn đoán để trị bệnh.

Bắt được tâm lí này của bệnh nhân nên không ít người lợi dụng để trục lợi như việc bán một loại cây nào đó với giá cao đột xuất chỉ vì một lời đồn rằng nó có thể chữa bệnh.

Đừng tin hay nghe theo những lời đồn thổi vô căn cứ về y khoa để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra cho bạn hay người thân

Tai hại khi chữa bệnh theo “cây thuốc đồn thổi”  

Việc sắc thuốc từ một loại thảo dược nào đó không đơn giản là cho tất cả vào nồi nấu rồi đun lên như nấu canh mà đòi hỏi kĩ lưỡng từ khâu chọn lá thuốc, rửa hay phơi lá thuốc. Đừng lầm tưởng rằng việc nấu tươi, nguyên chất là tốt cho sức khỏe mà không cần qua khâu chọn lọc hay chế biến.

Khi hỏi các bệnh nhân vì sao biết bài thuốc chữa bệnh thì đa số câu trả lời được đưa ra vô cùng đơn giản: nghe người này, người kia nói có một ai đó đã áp dụng và thành công hoặc đọc trên mạng, internet mà không có bất kì kiểm chứng nào.

Việc tự ý dùng thuốc không chỉ ảnh hưởng cho sức khỏe người bệnh mà còn ảnh hưởng đến quá trình người thầy thuốc cố gắng chữa trị. Nhiều trường hợp tai hại xảy ra như dị ứng, nhức đầu, chóng mặt…nặng hơn thì sốt, hôn mê và thậm chí là tử vong.

Thuốc có thể “ăn ý” với người này nhưng cũng có thể là “kẻ phá hoại” với người kia. (Ảnh minh họa)

Nên ứng xử như thế nào trước tin đồn trong y khoa ?

Khi mắc phải vấn đề bệnh lí nên đi khám ở bệnh viện lớn, uy tín để nhận được chẩn đoán và hướng điều trị đúng đắn của đội ngũ bác sĩ vững tay nghề.

Chọn những nhà thuốc cung cấp dược liệu chất lượng vừa đảm bảo đúng liều lượng mà bác sĩ cho toa.

Tùy vào bệnh lý và tùy vào người bệnh mà các toa thuốc có khác nhau. Thầy thuốc phải biết được cách gia giảm thuốc theo liều lượng sao cho phù hợp với bệnh lí, cảm ứng hay thậm chí là cơ tạng của người bệnh.

Nhiều bệnh nhân thắc mắc vì sao bác sĩ không cho lượng thuốc uống lâu dài luôn mà cứ phải uống 1 tuần, 1 tháng hay 2 tháng rồi lại tái khám? Đó là một phương thức giúp người thầy thuốc theo dõi tình trạng và diễn biến bệnh lí như thế nào, có đạt hiệu quả không...

Qua công nghệ tiên tiến như hiện nay, người ta có thể biến các thang thuốc trở thành một thành phẩm khác mà không cần gia giảm, chỉ áp dụng nguyên bài thuốc như cũ hoặc áp dụng một hoạt chất trong một cây thuốc nào đó để làm giàu hoạt chất hơn.

Có khi những tác dụng do làm giàu hoạt chất sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với ban đầu.

Việc chọn thuốc hay phương pháp điều trị luôn phải nghe theo hướng dẫn của người trị. (Ảnh minh họa) 

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng, điều hành Phòng Tư vấn Sức khỏe và Nghiên cứu Y dược và Điều trị Nội khoa thuộc Trung tâm Oxy cao áp TPHCM chia sẻ: “Việc áp dụng dược thảo cũng phải nằm trong toa thuốc của thầy thuốc chứ bệnh nhân không nên tự ý nghe lời đồn về cây thuốc nào đó mà uống thêm thì vô tình phá đi tác dụng do phản ứng tương tác bất lợi”.