Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương

(VOH) - Tại các bệnh viện sản khoa, rất nhiều bé sơ sinh sinh ra từ mẹ nhiễm COVID-19 không có người thân bên cạnh chăm sóc.

Con số này ngày một tăng thậm chí có trẻ gần đầy tháng nhưng vẫn chưa được về với vòng tay yêu thương của gia đình.

Trước thực trạng quá tải trẻ sơ sinh bình thường, với sự chung tay từ lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Thành phố, trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) tại Bệnh viện Hùng Vương đã kịp thời ra đời. Nơi đây như mái nhà chung đầu tiên mà trẻ sơ sinh vừa chào đời được đến đó, nuôi nâng, yêu thương, chăm sóc trong thời gian chờ về với gia đình.

Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương
Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

VOH có cuộc phỏng vấn với Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương liên quan đến câu chuyện đầy nhân văn và tình yêu thương này.

*VOH: Thưa Phó giáo sư, hiện nay thực trạng điều trị thai phụ nhiễm COVID-19  tại bệnh viện là như thế nào?

Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: Bệnh viện Hùng Vương được chỉ đạo của Sở Y tế Thành phố theo mô hình chia đôi bệnh viện vừa điều trị thai phụ bình thường và vừa điều trị thai phụ nhiễm COVID-19. Từ tháng 6 đến nay, bệnh viện tiếp nhận thai phụ nhiễm COVID-19 nhiều. Đến thời điểm này tổng số thai phụ nhiễm COVID-19   đến điều trị tại khu cách ly của bệnh viện là gần 1000 thai phụ, và có 400 trẻ ra đời từ khu vực cách ly này. Có trẻ mất từ trong bụng mẹ, có những trẻ phải ra đời non tháng vì phải chấm dứt thai kỳ để hồi sức cho mẹ và cũng có nhiều trẻ ra đời đủ tháng và hoàn toàn khỏe mạnh.

*VOH: Thưa Phó giáo sư, được biết thực tế sau khi những bé sơ sinh ra đời khỏe mạnh từ mẹ nhiễm COVID-19, trong khi chờ mẹ xuất viện, Bệnh viện linh động cho ra đời trung tâm H.O.P.E. Ý tưởng và hiện thực hóa mô hình này là như thế nào?

Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: Đứng trước thực trạng mẹ nhiễm COVID-19 sanh tại bệnh viện ngay sau sinh nếu mẹ bình thường là được da kề da, trẻ khỏe thì sẽ theo mẹ về sau khi xuất viện. Tuy nhiên, trong những tình huống mẹ nhiễm COVID-19 thì mẹ phải cách ly và trẻ phải cách ly về khoa Nhi để được làm xét nghiệm xác định có bị nhiễm COVID-19 hay không. Sau khi xét nghiệm trẻ âm tính với COVID-19 và không có bệnh lý sơ sinh thì bệnh viện sẽ liên lạc với gia đình để có người thân đón bé. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian mẹ phải đi cách ly, người nhà thì thực hiện chỉ thị 16 giãn cách hay ngay cả việc gia đình đang trong khu phong tỏa thì đi lại rất khó khăn để đón bé.

Do vậy, các bé đủ tiêu chuẩn xuất viện có mẹ nhiễm COVID-19 ngày càng ứ đọng ở khoa Nhi của bệnh viện dẫn đến tình trạng quá tải rất lớn ở khu vực Nhi sơ sinh. Nhân viên y tế thì không có đủ thời gian chăm sóc chuyên môn cho những trẻ khác cần chăm sóc chuyên môn.

Trước hoàn cảnh như vậy, nhiều giải pháp đặt ra để giảm tải cho khoa Nhi và giải pháp tích cực nhất là mô hình trung tâm H.O.P.E này là trung tâm nuôi dưỡng các trẻ có mẹ nhiễm COVID-19 có đủ điều kiện xuất viện. Từ đó giúp cho các bác sĩ, nữ hộ sinh ở khoa Nhi có đủ thời gian, toàn tâm chăm sóc những trẻ cần phải chăm sóc chuyên môn khác. Trung tâm H.O.P.E này mục đích nuôi dưỡng trẻ có mẹ nhiễm COVID-19, trong thời gian cách ly gia đình chưa đón được thì bé vẫn nhận được tình thương yêu, chăm sóc về vật chất lẫn tinh thần.

Trung tâm H.O.P.E này ra đời với sự giúp sức từ nhiều phía như từ lãnh đạo Bộ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, từ lãnh đạo Thành phố như Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Phan Thị Thắng, từ Sở Y tế như PGS.TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở, cùng sự tham gia của Ủy ban nhân dân Quận 5, trường Họa Mi 2, Bệnh viện Hùng Vương, rồi Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố. Trong vòng 1 tuần lễ chúng tôi đã biến từ ý tưởng thành hiện thực, mục đích làm sao để có thể chăm sóc trẻ một cách tốt nhất khi gia đình chưa đón được trẻ.

*VOH: Thưa Phó giáo sư, ở góc độ chuyên môn với thai phụ, Phó giáo sư có lời khuyên gì với thai phụ để giảm đến mức thấp nhất rủi ro thai phụ mắc COVID-19 để mẹ và bé khỏe mạnh?

Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết: Ngày 10/8 Bộ Y tế ra văn bản hướng dẫn tạm thời tiêm ngừa lần 3, có đưa đối tượng phụ nữ mang thai vào đối tượng được tiêm ngừa, không phải thuộc dạng trì hoãn như trước đây. Và Bệnh viện Hùng Vương là một trong những bệnh viện đầu tiên triển khai tiêm ngừa cho thai phụ

Như chúng ta biết, với COVID-19, việc tiêm ngừa mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp mình giảm nguy cơ lây nhiễm. Quan trọng nữa là tiêm ngừa sẽ giúp chúng ta không bị rơi vào tình huống bệnh diễn tiến nặng hoặc nguy kịch để dẫn tới tử vong. Do vậy việc tiêm ngừa vô cùng quan trọng trong thời điểm dịch bùng phát hiện nay. Thai phụ phải đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt, từ 13 tuần tuổi thai trở lên là thai phụ có thể tiêm được. Thứ hai là khi chúng ta tiêm ngừa rồi thì vẫn phải thực hiện 5K vì tiêm ngừa rồi nhưng cũng có thể bị lây nhiễm và nếu chẳng may bị lây nhiễm nếu sanh ra nguy cơ vẫn có thể lây cho em bé nên phải thực hiện nghiêm túc 5K để đảm bảo thai phụ không bị nhiễm COVID-19, trên hết để vượt cạn an toàn và sau khi sinh vẫn có thể chăm sóc được trẻ.

*VOH: Xin cảm ơn Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ  Hoàng Thị Diễm Tuyết!