50% người dân không biết mình bị cao huyết áp

(VOH) - Ở Việt Nam hiện nay, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp; trong 5 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp liên quan đến tăng huyết áp.

Tại khoa Cấp cứu các bệnh viện chuyên khoa về tim mạch, thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ. Đáng tiếc nhiều trường hợp đến muộn, không kịp thời gian vàng 3 giờ đầu nên hậu quả để lại rất nặng nề. Đáng nói là hầu như các trường hợp này đều có bệnh nền tăng huyết áp nhưng không kiểm soát tốt, khi đến bệnh viện thì chỉ số huyết áp thường rất cao.

Thống kê từ Viện Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Năm 2009, có khoảng 10 triệu người Việt Nam bị tăng huyết áp thì đến năm 2015, con số này tăng lên 20 triệu. Tăng huyết áp nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến các bệnh về tim mạch. Mỗi năm, riêng phụ nữ tử vong do bệnh tim và đột quỵ nhiều hơn cả ung thư, bệnh lao, sốt rét và nhiễm HIV/AIDS cộng lại.

Làm sao để biết mình đang mắc bệnh tăng huyết áp và nếu đã bị tăng huyết áp thì kiểm soát như thế nào tránh gặp phải biến chứng từ tăng huyết áp, VOH phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố.

bác sĩ Nguyễn Trí Dũng Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố.voh.com.vn

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng.

VOH: Thưa bác sĩ, bệnh tăng huyết áp rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bất kỳ lúc nào. Ông cho biết tần suất mắc tăng huyết áp của người dân TPHCM ra sao ? 

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Qua các khảo sát tầm quốc gia cũng như ở TPHCM, chúng ta thấy rằng 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp, khi chúng tôi khảo sát sâu hơn trong số những người tăng huyết áp chỉ có 50% biết mình tăng huyết áp, còn lại không biết.

Trong số người bị tăng huyết áp chỉ có một phần có tham gia điều trị và theo dõi quản lý, số còn lại vẫn chưa được điều trị đúng theo hướng dẫn. Đây là điều hết sức quan tâm vì chúng ta biết bệnh lý này sẽ gây ra biến chứng đặc biệt là đột quỵ .

VOH: Thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng TP có triển khai dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe”. Những nội dung đã được triển khai giúp ích cho cộng đồng trong quản lý kiểm soát tăng huyết áp tại 4 quận, huyện thí điểm, thưa ông?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Dự án này triển khai với mục tiêu làm sao cho cộng đồng, cho người dân sớm biết chỉ số huyết áp của mình, sớm biết được mình có bị tăng huyết áp không, hiểu được lối sống, thói quen sinh hoạt hằng ngày ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp mình như thế nào và được hướng dẫn theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế. Mục tiêu sau này của dự án hướng đến là mở rộng sự quan tâm của cộng đồng về bệnh tăng huyết áp.

Ngoài chuyện biết mình tăng huyết áp rồi, thì phải gắn kết mình với cơ sở điều trị, phòng mạch tư, trạm y tế như thế nào để chúng ta có thể quản lý đối tượng này thông qua đội ngũ cộng tác viên. Đội ngũ này sẽ nhắc nhở người bị tăng huyết áp rồi phải tham gia điều trị đúng phác đồ, giám sát phát hiện thêm người bị nghi ngờ tăng huyết áp, hướng dẫn họ thực hành thói quen, hành vi có lợi cho sức khỏe.

VOH: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ cùng một số bệnh lý tim mạch khá nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não. Ông chia sẻ với cộng đồng đặc biệt với nhóm người có nguy cơ tăng huyết áp biết cách kiểm soát và phòng ngừa?

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Chúng ta biết tăng huyết áp là một bệnh gây ra biến chứng hết sức trầm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề về sức khỏe, về kinh tế, xã hội. Cho nên, vấn đề quan trọng từ dự án mà chúng tôi đặt ra là người dân phải biết được chỉ số huyết áp của mình để có một trái tim khỏe, đó là slogan và cũng là thông điệp của dự án muốn gửi đến cho người dân.

Muốn biết được chỉ số huyết áp thì người dân phải thường xuyên đo huyết áp của mình, đặc biệt với những người sau tuổi 40. Ngoài ra, phải hiểu được lối sống, thói quen ảnh hưởng đến huyết áp như ăn thì hạn chế ăn mặn, không nêm nhiều muối hay ăn nhiều chất béo.

Ngoài ra, cần phải tăng cường vận động, thể dục tăng cường sức khỏe. Làm sao mở rộng vấn đề truyền thông này để người dân hiểu và thực hành đúng để có trái tim khỏe cho mình và cộng đồng.

VOH: Cảm ơn ông!