Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Trong thời đại công nghiệp 4.0, ngành y tế có những bước dịch chuyển để phù hợp với xu hướng hiện tại nhằm đáp ứng mong đợi của mọi người về chăm sóc sức khỏe. Chúng ta đã có những phát triển đáng kể trong việc xây dựng nhận thức chăm sóc sức khỏe từ sớm của người dân, dù vậy phần lớn người Việt vẫn có thói quen tự chẩn đoán và điều trị với bác sĩ “google”, tự mua thuốc về uống, không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Chúng ta cần phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ hơn giữa khối phòng bệnh và khối điều trị để giúp việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ngày một hiệu quả hơn.”
Đây là một nội dung của Diễn đàn y tế đa chiều bàn về chiến lược "Chăm sóc sức khỏe Hô hấp toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị" diễn ra tại Hà Nội và TPHCM. Diễn đàn được phối hợp tổ chức giữa Hội Y học TP Hồ Chí Minh, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Nhi Việt Nam, Hội Y học dự phòng Việt Nam, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh, Hội Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện GSK tại Việt Nam.
Các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về tầm quan trọng của việc kết hợp giữa phòng ngừa và điều trị để quản lý toàn diện các bệnh lý về hô hấp ở cả người lớn và trẻ em khi mà tình hình đề kháng kháng sinh ngày càng phức tạp, một số dịch bệnh ở trẻ em bùng phát trở lại, tỉ lệ các bệnh mạn tính như Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ngày càng tăng cao.
Toàn cảnh Diễn đàn y tế đa chiều.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh và lối sống ít vận động là những nguyên nhân chính khiến người Việt mắc bệnh, trong đó đáng kể là các bệnh liên quan đến hô hấp. Người Việt thường mang tâm lý chủ quan và chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh đã nặng và nghiêm trọng, khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, đa phần bệnh nhân thường không tuân thủ đầy đủ theo điều trị của bác sĩ, ngưng thuốc khi thấy triệu chứng được cải thiện nhưng không biết hệ quả dẫn đến lờn thuốc sau này, hoặc có thể quay trở lại đợt kịch phát dẫn đến phải nhập viện.
Đối với trẻ em, gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn dưới 2 tuổi là rất nặng nề, phần lớn trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp cấp, hơn nữa hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, khi gặp những vi khuẩn tấn công thường không chống lại được và có thể để lại những di chứng thậm chí tử vong.
Để giải quyết những thách thức nói trên, các chuyên gia cho rằng, ba giải pháp ưu tiên trước nhất là: Sự đồng lòng của khối nhân viên y tế trong tất cả các lĩnh vực về việc kê đơn và sử dụng kháng sinh hợp lý dựa trên cơ sở vi sinh – lâm sàng – dược lâm sàng để giảm thiểu đề kháng kháng sinh; Hướng dẫn và giáo dục bệnh nhân về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị với kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng hô hấp mắc phải trong cộng đồng; tuân thủ với điều trị dự phòng các bệnh mạn tính như Hen và COPD để quản lý hiệu quả triệu chứng và tránh các đợt cấp phải nhập viện và ưu tiên chủng ngừa sớm nếu đã có vắc xin để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý hô hấp phổ biến và nguy hiểm như ho gà hay viêm phổi do phế cầu và cả những bệnh truyền nhiễm khác.
Ngoài thảo luận về chủ đề “Chăm sóc sức khỏe hô hấp toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị”, tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã nhìn nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành y tế Việt Nam trong những năm qua, thành công tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân, liên tục đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở hạ tầng và vật tư y tế để có thể phục vụ bệnh nhân trên khắp cả nước.