Chờ...

Cách chăm sóc răng niềng "chuẩn"

(VOH) - Quá trình niềng răng cần sự chăm sóc, vệ sinh răng miệng kĩ càng mà nếu không khéo người niềng có thể gặp rắc rối lớn về răng miệng.

Niềng răng (chỉnh hình răng cố định bằng mắc cài) là phương pháp điều trị răng mọc lệch lạc, sai vị trí, hô, móm... bằng hệ thống mắc cài - dây cung và các khí cụ chỉnh hình cố định và tháo lắp khác gắn trực tiếp lên răng và xương hàm. 

Thời gian niềng răng thông thường kéo dài khoảng 1,5 - 3 năm. Vậy trong thời gian đó chúng ta cần lưu ý gì về vệ sinh răng miệng?

Khi niềng răng, các bác sĩ răng hàm mặt sẽ hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng chi tiết.

Niềng răng đang là phương pháp được nhiều người ưa chuộng hiện nay.

Niềng răng đang là phương pháp được nhiều người ưa chuộng hiện nay. Ảnh minh họa: internet

Dưới đây là một số lời khuyên từ bác sĩ Dương Minh Đạt về chăm sóc răng miệng trong quá trình niềng răng.

* Đánh răng:

- Nên sử dụng bàn chải thông thường chải phía trên và phía dưới của dây cung và mắc cài, mặt trong của răng.

Bàn chải mắc cài: giống bàn chải kẽ răng, để chải sạch xung quanh mắc cài, kẽ răng.

- Phải chải răng sạh sau khi ăn khoảng 15 phút, tránh thức ăn đọng lên mắc cài, dây, kẽ răng. Khi chải, tránh để cán bàn chải chạm vào mắc cài và dây cung, rất dễ bong mắc cài.

- Nên sử dụng kèm tăm nước để vệ sinh thức ăn ở những rãnh mắc cài mà bàn chải khó làm sạch được.

Chải răng sạch cực kỳ quan trọng trong lúc niềng răng, nếu răng không được chải sạch, nguy cơ sâu răng rất cao, đặc biệt là ở các răng cối lớn - những răng mang khâu, rất khó vệ sinh.

* Chăm sóc mô mềm:

Má, môi, lưỡi trong giai đoạn đầu niềng răng rất dễ bị tổn thương do tiếp xúc với mắc cài, chúng ta có thể sử dụng sáp nha khoa (bác sĩ chỉnh nha sẽ cung cấp) để bôi lên mặt ngoài các mắc cài nơi bị đau, đồng thời vệ sinh sạch thức ăn và chải răng nhẹ nhàng góp phần hạn chế tổn thương.

* Ăn uống:

Điều được đa số bệnh nhân niềng răng quan tâm. 

- Khi niềng răng, chúng ta không nên ăn thức ăn quá cứng, quá dai, kích thước quá lớn. Nên cắt nhỏ thức ăn, nhai đều hai bên, tránh cắn thức ăn bằng răng cửa. 

- Một vài ngày đầu tiên sau những lần hẹn tái khám niềng răng, răng có thể ê hoặc đau nhẹ, lúc đó nên ăn thức ăn mềm để tránh đau và khó chịu.

Nói chung, khi niềng răng thì không cần kiêng cữ thức ăn nào cả, chỉ cần cắt nhỏ và nhai cẩn thận là được. 

Nếu không chăm sóc răng tốt trong quá trình niềng răng, người niềng sẽ có thể mắc các bệnh răng miệng thường gặp như viêm nướu (do mảnh bám, thức ăn, vôi răng không được làm sạch), chảy máu, hôi miệng, tụt nướu, sâu răng...

Các hậu quả trên sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị niềng răng và kết quả sau cùng. 

Do đó, người niềng răng nên tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ trong lúc điều trị chỉnh nha, để quãng thời gian niềng răng không trở thành ác mộng và kết quả được hoàn hảo hơn.