Trụy tim khi chạy – không phải chuyện hiếm
Ngày 13/1, tại cuộc thi HCMC Marathon 2019 diễn ra tại TPHCM, nam vận động viên V.V.T (23 tuổi) đăng kí tham dự cự ly 42 km. Song, khi chạy đến km 18, vận động viên nam đã gục ngã trên đường chạy.
Nạn nhân ngay lập tức được đặt đường truyền ép tim, sốc điện và dẫn thuốc vào mạch để hồi sức rồi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
T là vận động viên thể thao phong trào, còn khá trẻ, không có tiền sử về bệnh tim mạch và đã từng hoàn thành cự ly 42km trong những giải chạy trước. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng nguyên nhân có thể do vận động viên hoạt động quá sức chịu đựng nên dẫn đến trụy tim.
Nam thanh niên tử vong trên đường chạy HCMC Marathon 2019
Tại giải Cardiff Half Marathon (cuộc thi chạy bán marathon thường niên ở Xứ Wales) hồi tháng 10/2018, hai vận động viên Ben McDonald (25 tuổi) và Dean Fletcher (32 tuổi) cũng quỵ ngã ở ngay vạch đích vì trụy tim.
Theo báo cáo y tế, McDonald và Fletcher bị ngưng tim cách nhau chừng ba phút. McDonald mới lần đầu dự giải ở cự ly bán marathon (21,7 km). Fletcher thì lần thứ hai dự Cardiff Half Marathon.
Không chỉ môn chạy bộ, nhiều môn thể thao khác cũng xảy ra tình trạng trụy tim, nhất là trong bóng đá.
Năm 2017, cựu ngôi sao của CLB Newcastle Cheick Tioté đã qua đời ở tuổi 30 sau khi bị đột quỵ trong quá trình tập luyện trên sân tập của CLB Beijing Enterprises.
Tháng 3/2012, trong trận đấu giữa CLB Tottenham và Bolton ở tứ kết Cúp FA, cầu thủ Fabrice Muamba đã bất ngờ đổ gục trên sân ở phút thứ 42 và tim anh ngừng đập.
Tháng 5/2016, tiền vệ Patrick Ekeng của CLB Dinamo Bucharest và đội tuyển Cameroon Patrick Ekeng đã đột ngột qua đời sau khi gục ngã ngay trong một trận đấu ở giải vô địch Romania.
Năm 2007, chứng đột quỵ do trụy tim là nguyên nhân lấy đi tính mạng của hậu vệ Antonio Puerta (Sevilla) khi cầu thủ này bất tỉnh 2 lần trong trận đấu ở vòng một Liga và qua đời trong bệnh viện sau đó vài ngày.
Người ta đã liệt kê được cả danh sách dài các cầu thủ, vận động viên trụy tim và qua đời trong quá trình tập luyện, thi đấu. Do đó, khi tham gia bất cứ môn thể thao nào, dù là chuyên nghiệp hay rèn luyện sức khỏe, mỗi người cũng cần có kiến thức nhất định để phòng tránh trường hợp sức khỏe chuyển biến xấu, hoặc trụy tim bất ngờ.
Cách phòng tránh trụy tim khi chơi thể thao
Giống như bất kỳ cơ bắp nào, tim trở nên mạnh khỏe hơn khi tập luyện thể dục, thể thao. Các bài tập sức bền như chạy bộ, bơi lội và đạp xe có thể làm tim to hơn, từ đó giúp bơm máu nhiều hơn với mỗi nhịp đập.
Đối với các vận động viên tham gia những môn đòi hỏi sự cạnh tranh về thời gian như điền kinh, cơ tim của họ sẽ phát triển hơn mức bình thường. Tim không chỉ lớn và dày khác thường mà đôi khi nhịp đập cũng không đều (loạn nhịp tim).
Do đó, những người tập luyện thể thao, đặc biệt là những người tham gia môn điền kinh cần:
- Phải biết rõ tình trạng sức khỏe của mình thông qua các kỳ kiểm tra sức khỏe trước đó xem có vấn đề gì đặc biệt về bệnh tim hay không
- Tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chạy, chạy theo những cự ly phù hợp với thể trạng cơ thể.
- Khởi động kỹ trước khi chạy và không cố gắng quá sức khi thấy cơ thể có dấu hiệu quá tải, gây ra hiện tượng trụy tim (còn gọi là nhồi máu cơ tim, đột quỵ tim).
Người tham gia thi đấu thể thao hoặc tập luyện thể thao cường độ mạnh cần chuẩn bị kĩ về sức khỏe để phòng tránh trụy tim (Ảnh: businessinsider)
* Trước thi đấu/tập luyện
- Trước khi thi đấu hoặc tập luyện, phải nghỉ ngơi, đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, uống đủ nước.
- Uống 500ml trong vòng 1 giờ trước khi khởi động với từng ngụm nhỏ.
* Trong thi đấu/tập luyện
- Khi chạy nên chạy theo nhóm để trong trường hợp có ai gục xuống hoặc bị tai nạn, chúng ta phải gọi sự hỗ trợ của y tế.
- Phải bù nước hợp lý uống 150-200ml mỗi 15 phút, từng ngụm nhỏ. Việc vận động cơ thể với cường độ cao sẽ sinh một lượng nhiệt lớn, cơ thể tiết mồ hôi để tự làm mát, giữ nhiệt độ bình thường. Trong mồ hôi, ngoài nước còn có các chất điện giải như Na, Cl, Ca, K, Mg... nếu không bù đủ nước và chất điện giải sẽ dẫn đến tình trạng vọp bẻ, còn gọi là chuột rút, mệt mỏi, tim đập nhanh, ngất xỉu, có khi còn trụy tim mạch nguy hiểm tính mạng.
- Nên dùng các loại nước uống thể thao có lượng đường thấp (4-8%) và chất điện giải như Na, K, Cl, Ca, Mg… giúp người chơi thể thao uống được nhiều và hấp thụ nhanh.
- Không dùng nước ngọt có ga, nước có chất cồn, nước tăng lực...
* Sau thi đấu/tập luyện:
- Uống liền 500-700ml, uống đều từng lượng nhỏ.
Chơi thể thao tốt cho sức khỏe, hẳn là thế. Tuy nhiên, lạm dụng thể dục thể thao cũng có hại không kém hút thuốc lá. Việc luyện tập cũng cần điều độ, chứ không phải thích là tập, thích tập bao nhiêu thì tập…
Với những vận động viên chuyên nghiệp, chăm sóc sức khỏe và tập luyện ra sao đã có bác sĩ tư vấn cặn kẽ. Với những vận động viên không chuyên hay người thường xuyên chơi thể thao thì cần chủ động tìm hiểu và lên kế hoạch tập luyện phù hợp cho bản thân.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng từng chia sẻ: để vận động luyện tập hiệu quả, chỉ cần tập luyện mỗi tuần chỉ 3 lần, mỗi lần không cần lâu hơn 45 phút có thể giúp kéo dài tuổi thọ 7 - 10 năm; Không nên ngày nào cũng luyện tập căng thẳng mà bữa nhiều bữa ít, hay thậm chí nghỉ xả hơi 1 - 2 ngày trong tuần...
Có như vậy, sức khỏe mới ổn định và tránh được các bệnh liên quan đến vận động cường độ mạnh như trụy tim.
Để không "phát bệnh" vì chơi thể thao - Tập thể dục thể thao hẳn rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, tập luyện quá độ sẽ khiến cho cơ thể "phát bệnh" với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chơi thể thao quá sức - Bạn có biết, tập luyện thể thao quá sức có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như: kiệt sức, căng cơ, gãy xương, chán ăn…
Những phản ứng bất ngờ của cơ thể sau khi tập thể thao - Không chỉ đau mỏi cơ bắp, cơ thể bạn còn có nhiều phản ứng “kinh dị” khác khi bạn bắt đầu tập luyện thể thao.