Chờ...

Cặp đôi bác sĩ quyết "thắng" số trời

(VOH) - Đó là Ths.BS Hồ Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản - Khoa Y Đại học Quốc gia và bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan.

Từ bác sĩ chuyên khoa sản đến... bác sĩ chuyên trị hiếm muộn, vô sinh

Bác sĩ Ngọc Lan nhớ lại hành trình đến với "thụ tinh trong ống nghiệm". Khi tốt nghiệp đại học năm 1996, tôi về bệnh viện làm chuyên khoa sản phụ khoa. Đến năm 1997, có đoàn chuyên gia Pháp về hỗ trợ bệnh viện Từ Dũ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với những trường hợp đầu tiên.

Lúc đó, bác sĩ Lan chưa được chọn trong ê-kip đầu tiên để tham gia. May mắn, khi đó bác sĩ Lan là người hỗ trợ cho mẹ mình (bác sĩ Ngọc Phượng - Giám đốc bệnh viện khi đó) làm hồ sơ theo dõi các bệnh nhân.

Khi đoàn chuyên gia thực hiện những ca đầu tiên, họ cần thông tin hỗ trợ thì bác sĩ Lan giúp họ trả lời, nhờ đó, bác sĩ được chọn vào ê-kip làm việc chung. Bác sĩ Lan lại càng thấy mình là người may mắn hơn khi những trường hợp điều trị đầu tiên do ê-kip của Việt Nam thực hiện đều thành công.

Từ trái qua: TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Ths.BS Hồ Mạnh Tường, Bác sĩ Ngọc Lan và BTV Kim Ánh tại phòng thu VOH

Với bác sĩ, qua hơn 20 năm làm công việc này, cảm xúc vui, buồn, lo lắng,.. gần như còn nguyên vẹn trong mỗi ca bệnh, trong mỗi quá trình thụ tinh. Đây là công việc đòi hỏi người bác sĩ phải hy sinh rất nhiều thời gian, hầu như không lúc nào ngơi nghỉ bởi vì luôn "bị động" khi phải phụ thuộc vào sự phát triển của các "trứng" trong quá trình thụ tinh, phải đảm bảo việc "thu hoạch trứng" đúng chất lượng và thời điểm. Do đó, bác sĩ phải luôn tuân thủ sự khắc nghiệt của ngành, nhất là về mặt thời gian.

Hiện tại, bác sĩ Lan đã đào tạo được đội ngũ bác sĩ trẻ kế thừa, có thể thay thế chị làm công việc này, tuy nhiên, bác sĩ luôn phải làm gương để tạo thói quen trong công việc cho các bạn trẻ, vì theo chị, đây là công việc đòi hỏi sự tập trung tối đa, sự cống hiến và sự hy sinh thì mới đảm bảo thực hiện thành công.

Nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh có khi xảy ra từ hai phía, do đó, cần có sự phối hợp điều trị cả vợ lẫn chồng. Ảnh: internet

Cần xóa bỏ định kiến xã hội

Theo bác sĩ Ngọc Lan, định kiến xã hội đối với bệnh nhân hiếm muộn rất lớn, điều đó làm cho những cặp vợ chồng có vấn đề về vô sinh không dám đi khám, không dám nói ra. Đến khi gặp được bác sĩ chuyên khoa để điều trị thì đã trễ.

Có những việc trễ phải trả giá rất lớn, đó là khi người phụ nữ không thể có con bằng chính "trứng" của mình.

Những ngày đầu tiên tham gia khám và điều trị hiếm muộn, bác sĩ chỉ thấy chị em đến khám và hầu như không thấy bóng dáng ông chồng. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, hiện tại, đã có sự chuyển biến tích cực khi cả vợ lẫn chồng cùng đến khám, cùng điều trị.

Ths.BS Hồ Mạnh Tường cho biết: "Nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh có khi xảy ra từ hai phía, thậm chí nhóm nguyên nhân từ nam giới ngày càng nhiều và trở thành nguyên nhân chính. Nhưng, nam giới thường khó chấp nhận việc này hơn phụ nữ".

Khi xét nghiệm "bị yếu", người nam thường mất hẳn sự tự tin và đây là một áp lực không hề nhỏ mà bản thân các "đấng mày râu" tự tạo cho mình. Nhưng họ cần phải hiểu một điều, đây là việc rất bình thường, bởi tỷ lệ mắc bệnh này rất cao.

"Cặp đôi hoàn hảo" Ths.BS Hồ Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản - Khoa Y Đại học Quốc gia và bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - người được Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 người Phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2017, cũng là một trong những người đầu tiên thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam, đến nay đã là hơn 20.000 ca được xem là "cặp đôi vàng" trong điều trị hiếm muộn, vô sinh ở nước ta hiện nay.

"Ngon, bổ, rẻ" trong điều trị

Việt Nam đang ở vị trí thuộc "top" khu vực về điều trị vô sinh, hiếm muộn, cả về các hoạt động nghiên cứu và kỹ thuật. Chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam được xem là rẻ nhất thế giới và tỷ lệ thành công cao.

Theo bác sĩ Tường, chủ trương của chúng ta trong quá trình điều trị hiếm muộn, vô sinh là giảm chi phí từng bước trong quy trình, cũng như sắp xếp, tổ chức làm việc trong điều trị nhằm giảm chi phí thấp nhất nhưng đạt tỷ lệ thành công cao nhất có thể, trong khi ở nước ngoài thì hoàn toàn ngược lại.  

 

>>>>>Nghe “Cặp đôi vàng” chia sẻ những buồn, vui trong việc điều trị hiếm muộn, vô sinh tại chương trình Chuyện Đời - Chuyện Nghề.

Chương trình Chuyện Đời Chuyện Nghề phát sóng lúc 18h15 ngày thứ 7 hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz và trang web www.VOH.com.vn. Đồng thời được livestreaming trên fanpage RADIO VOH.