Sau khi thăm khám và hỏi bệnh sử, người bệnh cho biết, trước đó có sử dụng một loại thuốc dùng cho người bệnh gout, sau khi dùng khoảng 20 ngày thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Đây là một trường hợp dị ứng thuốc gây ra bệnh cảnh Steven Johnson.
Một trường hợp khác, người bệnh đến khám vì có các thương tổn da tương tự, hỏi tiền sử bệnh ghi nhận được, trước đó người bệnh có sử dụng một loại kem thoa da không rõ nguồn gốc với mục đích tẩy tế bào chết, làm trắng mịn da. Sau khi dùng liên tục 10 ngày, người bệnh bắt đầu có biểu hiện bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị Steven Johnson, đa số là do bị dị ứng thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc điều trị gout,…Trong đó, một số trường hợp do dị ứng với các loại sản phẩm mỹ phẩm như kem trộn làm trắng da.
Việc điều trị cho hội chứng Steven Johnson giống như điều trị cho một người bệnh bỏng vì Steven Johson gây ra tình trạng hoại tử da nặng nề, đe dọa tử vong. Người bệnh cần được can thiệp điều trị sớm bằng các phương pháp như điều trị nâng đỡ như bồi hoàn đầy đủ nước và điện giải, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, chăm sóc vùng da và niêm mạc bị trợt, hoại tử, ngoài ra còn điều trị bằng các thuốc corticoide, ức chế miễn dịch, Globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch,…
Những người bệnh bị Steven Johnson đều cần phải nhập viện, theo dõi chặt chẽ. Sau khi tình trạng đã ổn định, cần tìm ra nguyên nhân. Đối với những trường hợp bị dị ứng thuốc, cần xác định loại thuốc bị dị ứng và sau khi xuất viện, bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh tuyệt đối không được sử dụng lại loại đã gây dị ứng.