Đau thần kinh tọa: Triệu chứng và cách điều trị

(VOH) - Đau thần kinh tọa còn được gọi là đau thần kinh hông to, được biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của đau có khác nhau.

Tư vấn từ lương y Nguyễn Công Đức, nguyên giảng viên Đại học Y dược TPHCM.

Người nào dễ bị đau thần kinh tọa?

Thần kinh tọa là dây thần kinh chạy dọc theo cột sống thắt lưng thông qua các lỗ liên hợp. Chứng đau thần kinh tọa xuất hiện khi có các tổn thương tại lỗ liên hợp gây chèn ép, đè nén dây thần kinh tạo nên các cơn đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của cơn đau có khác nhau.

Thường gặp đau thần kinh tọa một bên, ở lứa tuổi lao động (từ 30-50 tuổi). Trước kia tỷ lệ nam cao hơn nữ, song các nghiên cứu năm 2011 cho thấy tỷ lệ nữ cao hơn nam. Nguyên nhân thường gặp nhất là do các tổn thương cột sống, đốt sống.

Triệu chứng điển hình của cơn đau thần kinh tọa

- Triệu chứng: Bệnh nhân đau thắt lưng kèm theo lan dọc xuống chi dưới theo đường đi của dây thần kinh tọa, thường đột ngột xuất hiện sau gắng sức hoặc sang chấn vùng thắt lưng hoặc sau cú bước hụt (do căn nguyên thoát vị đĩa đệm).

Cơn đau có thể âm ỉ hay đau cấp tính, thường tăng lên khi bệnh nhân gắng sức, thay đổi tư thế, ho hoặc hắt hơi. Đau thường tăng về đêm. Triệu chứng kèm theo: dị cảm (tê nóng, đau rát bỏng như dao đâm, hoặc cảm giác kiến bò bên bị bệnh.)

Đau thần kinh tọa: Triệu chứng và cách điều trị 1

Vị trí và đường đi của một cơn đau thần kinh tọa điển hình.

- Chẩn đoán: Để chẩn đoán bệnh, bác sỹ nội thần kinh sẽ thăm khám lâm sàng và có thể chỉ định bệnh nhân làm các thăm dò cận lâm sàng như chụp X-quang cột sống thắt lưng thường quy (ở tư thế thẳng nghiêng), chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng hoặc chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.

Ngoài ra, tùy theo hình ảnh tổn thương mà bác sĩ chuyên khoa sẽ đề nghị làm thêm các thăm dò chuyên sâu khác để tìm nguyên nhân: điện cơ, xét nghiệm máu tìm phản ứng viêm, chọc dịch não tủy…

Điều trị đau thần kinh tọa bằng châm cứu

Châm cứu là phương pháp điều trị hiệu quả bệnh hết sức phổ biến. Đối với bệnh đau rễ dây thần kinh toạ việc điều trị hiệu quả bằng kĩ thuật châm cứu điện châm, xoa bóp, bấm huyệt là một trong những biện pháp giúp phục hồi chức năng vận động cũng như khắc phục cơn đau, biến chứng của bệnh mang lại… Người bệnh đau dây thần kinh tọa sẽ được dùng kim châm cứu, châm tại các vùng huyệt đạo trên cơ thể, có tác dụng lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch, thông kinh hoạt lạc, đẩy lùi cơn đau hiệu quả.

Điều trị bằng phương pháp nhu châm - cấy chỉ: Khi chỉ được cấy vào huyệt. Tác dụng của phương pháp châm cứu (giảm đau, giảm co thắt, điều hòa hoạt động cơ quan tạng phủ trong cơ thể). Tác dụng của chỉ khi tự tiêu dần dần trong các huyệt: có vai trò tăng cường dinh dưỡng, tăng tuần hoàn tại huyệt và vùng lân cận chỗ cấy (bằng cách tăng chuyển hóa chất như đạm, đường trong cơ thể) và chống kích ứng do có ảnh hưởng tích cực thông qua miễn dịch. Một lần cấy trung bình 10 - 15 huyệt, cấy cách nhau trung bình 2 tuần. Ưu điểm của phương pháp cấy chỉ: Tác dụng giảm đau nhanh và hiệu quả; Can thiệp tích cực đến quá trình thoái hóa, tăng cường nuôi dưỡng thần kinh; Đặc biệt cần 1 - 3 tuần mới cấy chỉ làm một lần, giúp tiết kiệm thời gian và tài chính cho người bệnh.

Đau thần kinh tọa: Triệu chứng và cách điều trị 2