Bác sĩ Phạm Thị Sâm (Chuyên khoa Phụ khoa – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Monaco Healthcare) cho biết, tránh rủi ro khi mang nặng đẻ đau, ngoài việc chuẩn bị về mặt tâm lý, tài chính, các bà mẹ cần khám sức khỏe tiền thai sản để đảm bảo em bé sẽ khỏe mạnh, thông minh.
Thăm khám tiền thai sản, dù trong thời gian mang thai hay trước khi có thai đều hết sức quan trọng cho sức khỏe của cả mẹ và bé, đồng thời giúp người mẹ yên tâm trải qua 1 thai kỳ an toàn.
Khám tiền thai sản có gì đặc biệt?
Việc khám và tư vấn sức khỏe trước thời kỳ mang thai giúp phụ nữ biết được sức khỏe hiện tại, phát hiện một số bệnh lý và kịp thời điều trị.
Khám sức khỏe tiền thai sản giúp phụ nữ yên tâm trải qua thời kỳ mang thai an toàn, bé sinh ra khỏe mạnh (Ảnh: Marrybaby)
Khám sức khỏe tiền thai sản bao gồm:
Khám tổng quát, khám phụ khoa, siêu âm (siêu âm bụng, siêu âm phụ khoa đầu dò), xét nghiệm (trong đó xét nghiệm máu để tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, rubella, HPV). Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách soi cổ tử cung, phết tế bào âm đạo.
Khám phụ khoa là đặc biệt quan trong bởi những bệnh lý này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mang thai của người mẹ và sự phát triển của bé sau này. Bác sĩ Châm ví dụ, nếu người mẹ đang mang thai nhưng bị nấm thì trẻ sinh ra có thể bị bệnh nấm da, nấm mắt.
Khi khám, nếu phát hiện ra bệnh hay triệu chứng bất thường, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại và đưa ra hướng điều trị, khắc phục sao cho phù hợp
Bác sĩ Sâm khuyên: “Phụ nữ muốn có con cũng nên chú ý đến cân nặng. Những người có thể trạng gầy sẽ dẫn đến thai chậm phát triển, nguy cơ sảy thai cao. Còn ở những người béo phì, khiến cân nặng của thai tăng cao, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bẩm sinh”
Phát hiện vô sinh
“Trên 1 năm, vợ chồng sống gần nhau và không có sử dụng biện pháp, kế hoạch nhưng không có con thì được gọi là vô sinh”, bác sĩ Sâm giải thích.
Để phát hiện vô sinh, cần kiểm tra người phụ nữ có bị viêm nhiễm hay không. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng vô sinh là do nội tiết tố nhưng hiện nay đã phát hiện ra viêm nhiễm phụ khoa cũng là nguyên nhân gây vô sinh.
Bổ sung chất sắt và axit folic vào bữa ăn. (Ảnh: PM Procare)
Viêm nhiễm âm đạo, viêm nhiễm cổ tử cung và viêm nhiễm phụ khoa đều liên quan đến tắc vòi trứng. Viêm âm đạo sẽ dẫn đến viêm nội mạc tử cung... làm cho quá trình mang thai gặp nhiều khó khăn.
Chị Thủy (33 tuổi, ngụ TP.HCM) lập gia đình được hai năm, không sử dụng bất kỳ biện pháp phòng tránh nào nhưng đến nay vẫn chưa có con.
Bác sĩ Sâm tư vấn: “Ngoài 30 tuổi, cơ quan sinh dục giãn nở dẫn đến khó khăn trong mang thai và sinh đẻ. Vì vậy, 2 vợ chồng nên đi khám tổng quát, khám phụ khoa, siêu âm bụng và được tư vấn cụ thể hơn. Đồng thời làm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm RH, xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm gen”.
Đặc biệt, trước khi mang thai phụ nữ cần chích ngừa viêm gan siêu vi, rubela, cúm để đảm bảo sức khỏe. Sau chích ngừa ít nhất 3 tháng mới nên có thai. Chế độ ăn uống hằng ngày cần bổ sung thêm các thực phẩm có chứa chất sắt và axit folic có trong sữa, bơ, lòng đỏ trứng và rau bina.
Khám tiền sản là khám cả người chồng
Bác sĩ Phạm Thị Sâm nhấn mạnh, việc khám sức khỏe tiền thai sản không chỉ dành cho người vợ mà còn cần thiết đối với người chồng.
Khi muốn có con, cả vợ và chồng cần khám sức khỏe tiền sức khỏe tiền thai sản. Nguồn: PM Procare
Khi quyết định có con, cả hai vợ chồng cần đến bác sĩ chuyên khoa để khám và để được tư vấn sức khỏe. Không ít trường hợp người vợ sức khỏe bình thường nhưng người chồng lại “có vấn đề” nhưng lại không hề hay biết. Từ đó, ảnh hưởng đến quá trình mang thai và hạnh phúc gia đình.
Khám sức khỏe tiền thai sản chon nam giới bao gồm: Khám cơ quan sinh dục, xét nghiệm tinh trùng, siêu âm tinh hoàn, sợi sinh tinh và một số bệnh lý khác.
Khi có triệu chứng bất thường, cần đến bác sĩ để được khám và có toa thuốc phù hợp. Không tự ý mua thuốc uống vì hiệu quả không cao và đôi khi mang đến những tác dụng phụ không mong muốn.