Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Sốt xuất huyết ở người lớn: Chủ quan bệnh dễ rơi vào nguy kịch

(VOH) - Bắt đầu vào mùa mưa, sốt xuất huyết sẽ tăng theo chu kì dịch. Tuy nhiên, điều mà ngành y tế lo ngại là khi xảy ra ở người lớn, sốt xuất huyết gây biến chứng nhanh, nhiều khi người bệnh tỉnh táo nhưng đột ngột rơi vào sốc, biến chứng nguy kịch khó đoán trước.

Người lớn mắc sốt xuất huyết tăng

Trong tuần vừa qua, sốt xuất huyết ở người lớn được ghi nhận tại khoa nhiễm D – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP bắt đầu tăng, nếu những tuần trước chỉ khoảng 40 bệnh thì trong tuần, khoa tiếp nhận hơn 60 bệnh điều trị nội trú và dự báo tình hình bệnh sẽ tăng trong những tuần kế tiếp khi mưa rộ hạt.

Bệnh nhân Nguyễn Anh Duy, 16 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh, sốt hai ngày nhưng khi đi khám bác sĩ phòng mạch tư được chẩn đoán cảm cúm, uống thuốc bệnh không khỏi, người lừ đừ nên gia đình chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP để điều trị. Mẹ của bệnh nhân Nguyễn Anh Duy cho biết: “Cháu bị sốt từ bốn năm ngày nay, khám ở bác sĩ tư nói cảm cúm uống thuốc hai ngày nhưng không hết, đi test biết sốt xuất huyết nên chuyển ngay vô bệnh viện Nhiệt đới”.

sốt xuất huyết ở người chủ quan dễ chết voh.com.vn

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại khoa nhiễm D - Bệnh viện Nhiệt đới

Dễ biến chứng

Thời gian gần đây sốt xuất huyết người lớn tăng, chiếm từ 30 đến 40%. Người lớn nghĩ lướt qua bệnh, bệnh tự hết không quan tâm thế nên một số bệnh nhân khi vào bệnh viện phát hiện trễ, xuất hiện biến chứng.

Khác với trẻ em, người lớn đáng ngại nhất là xuất huyết, suy đa tạng, rơi vào sốc, đặc biệt với biến chứng viêm cơ tim, sốc tim thì tử vong nhanh chóng. Vì do lơ là không quan tâm nên khi nhập viện thì sốt xuất huyết ở người lớn biến chứng dễ xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong  - Trưởng khoa nhiễm D - , Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP khuyến cáo trong bệnh sốt xuất huyết, không phải trường hợp nào cũng truyền dịch. Truyền dịch không đúng với từng bệnh cảnh thì rất nguy hiểm. Điều này đã được điều dưỡng trưởng khoa nhiễm D Nguyễn Thị Lệ Hồng chia sẻ khi vừa qua, tại khoa đã tiếp nhận một trường hợp vì truyền dịch sai dẫn đến tràn dịch màng phổi, màng bụng, màng bao gan.

Ngoài lưu ý với bệnh nhân mắc bệnh mãn tính kèm dễ trở nặng thì trong sốt xuất huyết người lớn đáng ngại là khi hết sốt, người bệnh ngỡ tưởng hết bệnh nhưng đây là thời điểm bệnh trở nặng. Thường thì sẽ rơi vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Sốt xuất huyết ở người lớn: Chủ quan bệnh dễ rơi vào nguy kịch 2

Bác sĩ Phong đang khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Nếu bị sốt nên đi khám ở bệnh viện

“Thường với sốt xuất huyết Dengue ba ngày, mình đặc biệt phải quan tâm là từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh, phải theo dõi sát bệnh nhân. Bệnh nhân có nôn ói nhiều, đau bụng, đừ, mệt hay bệnh nhân có chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu hay đi cầu phân đen… thì phải theo dõi xử lí kịp thời. Điều khác với nhiễm siêu vi là da bệnh nhân ửng đỏ lên, nếu sốt mà kèm theo triệu chứng điển hình như vậy thì nên nghĩ sốt xuất huyết”, bác sĩ Phong khuyến cáo.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Y tế dự phòng TP lưu ý đang vào mùa mưa thì TPHCM sẽ bắt đầu xuất hiện những bệnh truyền nhiễm. Theo thống kê mới nhất, trong tuần 23, toàn địa bàn TP có 230 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 5% so với 4 tuần trước.

Bác sĩ Hồng Nga cũng cảnh báo, khu vực miền Nam sốt xuất huyết ở người lớn cũng gần bằng cả trẻ em về số mắc.

 “Cả khu vực miền Nam sốt xuất huyết ở trẻ em trên 50% còn lại là sốt xuất huyết người lớn. Do vậy sốt xuất huyết ở người lớn cần đặc biệt quan tâm vì người lớn chủ quan, khi bị sốt không theo dõi và xử trí phù hợp dẫn đến biến chứng nặng của bệnh”, bác sĩ Nga cho biết thêm.

Không thể xem thường sốt xuất huyết ở người lớn vì sự nguy hiểm, khả năng biến chứng cao nếu nhập viện trễ. Do vậy nên khi bản thân bị sốt dù là ngày đầu tiên thì nên đi khám ngay tại bệnh viện có chuyên khoa  để được sàng lọc, phát hiện sớm bệnh. Chính sự chủ quan, lơ là với sốt xuất huyết ở người lớn nên khi tiếp nhận thì nhiều bệnh nhân bị biến chứng, chữa trị khó khăn và nhiều khi cứu chữa không còn kịp.

Bình luận