Việc hâm sữa bằng tô nước ấm như cách làm thông thường của các mẹ không có tác dụng diệt vi trùng và bảo quản sữa. Ảnh minh họa: internet
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn dinh dưỡng, trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch TPHCM thì:
Việc hâm sữa bằng tô nước ấm như cách làm thông thường của các mẹ không có tác dụng diệt vi trùng và bảo quản sữa. Việc này chỉ nhằm làm sữa ấm lên để không làm sốc hệ tiêu hóa của bé.
Các cách bảo quản sữa
1. Bảo quản lạnh 4 độ C
Sữa công thức sau khi pha xong, nếu bé dùng không hết thì cho vào tủ lạnh để trữ và sau 2 giờ phải dùng hết lượng đó. Tuy nhiên, việc trữ lại sữa còn thừa là không tốt. Do đó, các mẹ nên pha ít lượng sữa để bé có thể dùng hết một lần trong thời gian nhanh nhất có thể.
Hoàn toàn không nên lưu trữ sữa sau khi pha quá 2 giờ.
Đặc biệt, đối với các bé bú chậm và bú ít, lưu ý sau khi pha lượng sữa cho bé dùng, mẹ nên dùng thêm 1 bình sạch để chia sữa ra bớt, để sau khi bé bú xong một phần, mẹ cho từ từ lượng sữa đã pha vào bình cho bé bú tiếp, đến khi bé không bú nữa thì bỏ hẳn lượng sữa thừa trong bình bé đang bú và chỉ trữ và bảo quản lượng sữa đã pha trong bình được chiết ra ngay từ đầu (không bảo quản lượng sữa đã uống dở dang).
2. Bảo quản nóng 100 độ C
Nấu sôi sữa lại với nhiệt độ 100 độ C, tuy nhiên lúc này, các chất dinh dưỡng trong sữa sẽ không còn, do đó, cách bảo quản theo kiểu này thường không được khuyến khích.
3. Cách tốt nhất
Hâm sữa ở nhiệt độ âm ấm (63 độ C), liên tục trong vòng 30 phút, như thế sữa có thể tiệt trùng, tuy nhiên, cách bảo quản này các gia đình ít khi làm do quá mất công. Vì vậy, cách tốt nhất là pha lượng sữa ít, vừa đủ cho bé dùng trong một lần.
Cách tốt nhất là pha lượng sữa ít, vừa đủ cho bé dùng trong một lần. Ảnh minh họa: internet
Sữa thanh trùng có nên hâm nóng?
Với các loại sữa thanh trùng đóng hộp bảo quản trong tủ lạnh, khi lấy ra cho bé dùng, thường mẹ sợ trẻ bị viêm họng nên sẽ đổ ra hâm lại bằng cách đặt trong nước nóng 100 độ C, điều này có ảnh hưởng đến chất lượng sữa hay không?
Trong trường hợp này, khi bị hâm nóng, tất nhiên sẽ làm thay đổi các thành phần dinh dưỡng trong sữa. Sữa là một loại thực phẩm nhạy cảm vì trong sữa chứa các chất dinh dưỡng mỏng mảnh và dễ bị phá hủy như: vitamin C, B1, các chất chức năng,... thậm chí với các chất tưởng chừng như bền vững như DHA khi gặp nhiệt độ quá cao cũng sẽ bị phân hủy, bị oxy hóa khiến chúng trở thành chất gây hại thay vì tốt cho sức khỏe.
Do đó, nhiệt độ dùng để xử lý sữa không bao giờ được vượt quá 60 độ C. Vì vậy, khi hâm sữa cho con, các mẹ nên pha nước ngâm theo công thức "2 nước sôi, 1 nước nguội" (nghĩa là, nếu pha 100 ml lượng nước nóng thì sẽ thêm 50ml lượng nước nguội) thì mới đạt được nhiệt độ cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có số liệu thống kê và nghiên cứu cho thấy việc trẻ dùng sữa lạnh sẽ bị viêm họng. Theo các chuyên gia, viêm họng thường không liên quan đến nhiệt độ lạnh bởi vì khi dùng lạnh quá sức sẽ có hiện tượng co các mạch máu ở vùng họng làm giảm việc nuôi dưỡng tại chỗ và làm bé dễ viêm họng hơn, nhưng việc này chỉ thường xảy ra đối với những bé bị viêm họng mạn tính (tức là trẻ có vi trùng sẵn trong cổ họng hay bị viêm họng hạt, viêm VA, viêm amidan trước đó,...).
Vì thế, bé vẫn có thể uống sữa lạnh, mát nếu thích. Các mẹ không nên tự nghĩ rằng, sữa ấm tốt hơn rồi đem đun sữa lên trong khi trẻ lại thích uống sữa mát để uống được nhiều hơn.
Vậy nên, bé sẽ là người quyết định nhiệt độ sữa nên uống là như thế nào, các mẹ tuyệt đối không can thiệp vào sở thích của con.