Điều quan trọng là cha mẹ cần biết chọn những cách nào hiệu quả tối ưu từ khi con còn nhỏ.
Ngoài yếu tố di truyền, những yếu tố khác liên quan đến sự phát triển chiều cao như: dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, vận động thể lực, cân nặng, môi trường sống… Và chiều cao chỉ phát triển tối đa đến hết tuổi dậy thì.
Đi ngủ sớm giúp tăng chiều cao
Cần cho bé đi ngủ sớm trước 9h, mỗi ngày ngủ ít nhất là 8h về ban đêm.
Vì sao ngủ sớm giúp trẻ tăng trưởng chiều cao tốt?
Giấc ngủ chiếm từ 14% đến 20% chiều cao trưởng thành của một người. Khi ngủ, cơ thể sẽ tiết ra nội tiết tố tăng trưởng chiều cao (growth hormone) - đây là hormone quan trọng trong việc đưa canxi vào xương, kéo dài xương và giúp tăng trưởng chiều cao cho trẻ. Nếu trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc, nội tiết tố này sẽ tiết ra đầy đủ trong suốt giấc ngủ và trẻ sẽ dài ra đến mức tối đa. Nếu ngủ trễ, thời gian nội tiết tố tiết ra và tác động lên xương ngắn hơn, do đó, trẻ sẽ bị mất chiều cao. Cho nên chúng ta thường nghe câu “trẻ em dài ra trong giấc ngủ”.
Theo cơ chế sinh lý, từ khoảng 24 giờ đêm đến 4 giờ sáng là thời điểm mà nội tiết tố tăng trưởng chiều cao tiết ra nhiều nhất. Trong ngày, hormone tăng trưởng có 2 khoảng thời gian tiết ra nhiều nhất (đạt đỉnh): buổi sáng và đầu giấc ngủ. Do đó, nếu trẻ ngủ đủ giấc và buổi sáng thức dậy sớm, tập thể dục ngay lúc nội tiết tố tăng trưởng tiết ra, sẽ tốt hơn cho chiều cao của trẻ.
Ảnh minh họa: internet
Chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung thực phẩm giàu canxi
Chế độ dinh dưỡng, cha mẹ nên lưu ý cho con ăn đầy đủ, cân bằng các nhóm chất, bổ sung những thực phẩm giàu canxi, vitamin D và MK7. Canxi là chất hình thành và cấu tạo nên xương, có nhiều trong trứng, hải sản như tôm, cua, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa…Vitamin D có vai trò tăng cường sự hấp thu canxi từ ruột vào máu. Để bổ sung vitamin D, cha mẹ nên cho con tắm nắng hàng ngày, từ 6-8h vào mùa hè và 7-9h vào các mùa khác trong năm.
Không thể thiếu Iốt trong bữa ăn là thành phần của nội tiết tố tuyến giáp, nội tiết tố này có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của cơ thể, khi thiếu iốt trẻ sẽ bị thiểu năng tuyến giáp, có thể bị lùn do suy giáp trạng.
Sữa là yếu tố hỗ trợ tăng chiều cao không thể bỏ qua
Trong đời người, có 3 giai đoạn “vàng” để có chiều cao tốt nhất là giai đoạn trong bào thai, giai đoạn dưới 2 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì (trẻ trai 13-16 tuổi, trẻ gái 10-13 tuổi). Đáng chú ý, cả 3 giai đoạn “vàng” đó, sữa luôn đóng vai trò quan trọng.
Ngoài 3 bữa chính, trẻ cần được bổ sung thêm 2 - 3 cữ sữa xen kẽ.
Có thể thay đổi nhiều loại sữa với các hương vị khác nhau để trẻ không bị ngán.
Khuyến khích bé uống sữa ngoài các bữa ăn chính. Hình minh họa: internet
Tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM - cho biết một “bí kíp” để các bậc cha mẹ giúp con chịu uống sữa. Đó là khi con khát nước thì cho con uống sữa (để ngăn mát tủ lạnh giúp bé đã khát), sau đó con vẫn còn khát thì mới uống nước.
Để con thích uống sữa và ý thức được việc uống sữa tốt cho mình, cha mẹ hãy để bé chọn loại sữa mình thích uống và tôn trọng lựa chọn của bé
Có thể bổ sung các chế phẩm từ sữa, chế biến các món ăn từ chế phẩm sữa để trẻ hứng thú hơn: pho mai, sữa chua, bơ.
Vận động khoa học:
Tăng cường cho trẻ được vận động thể lực ngay từ khi còn nhỏ.
Trẻ đến tuổi dậy thì cần được hướng chơi một vài môn thể thao yêu thích và phù hợp với độ tuổi, hỗ trợ tăng chiều cao như: chạy, bơi lội, tập xà, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, nhảy dây, yoga.
Tập cho bé yêu thích vận động từ khi còn nhỏ. Hình minh họa: internet
Những yếu tố có thể làm bé thấp lùn:
- Không vận động hoặc vận động thụ động quá nhiều: Ngồi máy tính, xem tivi, chơi game trên 2,5 tiếng/lần. Tổng thời gian tiếp xúc với điện tử trên 4 tiếng/ngày.
- Uống quá nhiều nước ngọt: 1 lon (220ml)/ngày là quá nhiều cho bé dưới 12 tuổi. Bé dưới 12 tuổi chỉ nên tối đa 2 lon/tuần, tức là <65ml/ngày. Tốt nhất là không nên giới thiệu nước ngọt cho bé trước 5 tuổi.
- Trẻ bị béo phì, trẻ ít được tắm nắng, trẻ không thích uống sữa và các chế phẩm từ sữa
Môi trường sống: không khí bị ô nhiễm trẻ dễ nhiễm bệnh sẽ dẫn đến chậm tăng trưởng, do biếng ăn trong thời gian bệnh, biếng ăn do dùng thuốc kháng sinh quá nhiều, sử dụng một số thuốc ảnh hưởng đến việc hấp thu canxi…