Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Triệt tiêu stress là một sai lầm

(VOH) - Cuộc sống hiện đại, không ít người mắc phải stress và có một lúc nào đó, chúng ta nghĩ rằng “ước gì đừng bị stress”.

Hãy cảm ơn stress

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng Stress cho biết: “Bất kỳ ai cũng có stress. Bởi stress là di thể có sẵn, nằm trong nhân tế bào con người, di thể này được coi là một lệnh nên không thể thay đổi được”.

Stress xảy ra thường xuyên mà con người có thể không biết. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng ví dụ: “Khi đứa trẻ đút tay vào lửa, cảm thấy nóng và rút tay ra ngay lập tức, đó cũng là một dạng stress”.

Stress vượt quá mức sẽ dẫn đến bệnh cao huyết áp, tiểu đường và ung thư. Ảnh: internet

Stress ở mức độ vừa phải sẽ mang lại những lợi ích mà ít ai biết được.

Khi con người gặp phải những chuyện mà cơ thể cảm thấy không bình thường như vui, buồn, nguy hiểm, lúc này những di thể stress ghi nhận lại và phản ứng lại bằng cách đẩy máu đi khắp cơ thể dẫn đến hiện tượng tim đập nhanh, hồi hộp. Đồng thời, da ngoài mạch máu co lại nhằm đề phòng chảy máu nên gây ra tình trạng mặt xanh xao, thở nhanh nhằm kéo nhiều dưỡng khí, đổ mồ hôi lạnh.

Tất cả biểu hiện trên được xem như một phản ứng phòng vệ “xuất sắc” của cơ thể. 

"Nếu không có những di thể stress ghi nhận và phản ứng thì con người không thể tồn tại. Vì vậy, triệt tiêu stress là một sai lầm!”, bác sĩ Lương Lễ Hoàng nhấn mạnh.

Khi stress biến thành thù

Một lúc nào đó, nếu stress quá mức sẽ gây ra tác hại khôn lường mà không ai mong muốn.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: “Stress là một phần trong cuộc sống, mỗi người nên học cách chấp nhận và sống chung với stress”. Ảnh: Thanh Hương

Mỗi một lần ghi nhận và phản ứng, cơ thể sẽ phóng thích một lượng nội tiết tố nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể. Lượng nội tiết tố cơ thể không “xài” hết được tích lũy lại trong cơ thể.

Đặc biệt, người thường xuyên bị stress hoặc stress ít nhưng quá mạnh sẽ tích lũy ngày một nhiều hơn. Khi tích lũy quá nhiều sẽ làm huyết áp tăng và con đường dẫn đến bệnh cao huyết áp không còn xa.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng lý giải: “Khi bị stress, lượng đường trong máu sẽ được cơ thể giữ lại, không dùng đến. Lúc này, lượng đường trong máu cao hơn bình thường, tụy tạng sẽ tiết ra insulin để kéo giảm lượng đường xuống.

Nếu tình trạng trên lặp đi lặp lại nhiều lần, tụy tạng phải điều chỉnh liên tục và rơi vào tình trạng “đuối”. Để phục vụ cho tụy tạng làm việc những chất như kẽm, crom sẽ được “xài” hết”.

Khi đó, tụy tạng không thể điều chỉnh lượng đường trong máu và gây ra bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu cho thấy, ngày nay bệnh tiểu đường tập trung nhiều ở những người có cuộc sống căng thẳng. Ngược lại, người sống vui khỏe, tuyến yên sẽ tiết ra serotonin và endorphins tạo ra cảm giác bình yên, yêu đời. 

Nội tiết tố do tuyến thượng thận được phóng thích ra đến 17 giờ chiều sẽ hạ xuống để “nhường chỗ” cho serotonin. Tuy nhiên, với những người có tốc độ sống và làm việc vội vã thì lượng nội tiết tố này có thể hoạt động đến 21 giờ khiến nhịp sinh học của cơ thể bị thay đổi, gây ra mất ngủ. 

Nội tiết của stress nhiều sẽ tấn công tế bào hay còn gọi là oxy hóa. Khi đó tế bào sẽ bị bóp méo, khi sinh ra tế bào mới sẽ không mang hình dạng và chức năng của tế bào ban đầu. Những tế bào này không hoạt động mà lấy hết dưỡng chất trong cơ thể để chèn ép mạch máu, gây ra ung thư. 

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng lý giải, chất sinh ra ung thư có sẵn trong cơ thể, nếu phải chịu quá nhiều căng thẳng, áp lực, những chất trên sẽ tập hợp lại. Khi đã đủ, những chất trên sẽ hình thành nên khối u ác tính. 

Học cách sống chung với stress

Stress là một phần trong cuộc sống, mỗi người nên học cách chấp nhận và sống chung với stress. Điều quan trọng là không được để stress “lấn lướt” mà phải biết cách dung hòa.

Dưới đây là một vài phương pháp:

“Pha loãng” stress bằng cách thư giãn, giải trí đối nghịch với công việc thường ngày. Nếu là người làm việc trí óc, cần chọn những phương pháp thư giãn bằng cách hoạt động chân tay như trồng cây, nấu ăn. 

Áp dụng phương pháp ngồi thiền, nghĩ đến những gì bản thân yêu thích. Tạm thời gạt bỏ những suy nghĩ là bản thân mệt mỏi, căng thẳng.

Cười, có thể cười tự nhiên và cười gượng. Bởi khi cười, miệng mở rộng, tạo ra kích ứng đánh lừa tuyến yên nhằm phóng thích ra endorphins. 

Ngược lại, chúng ta có thể khóc. Khoa học đã chứng minh, thời điểm nước mắt được tiết ra cũng là lúc endorphins được phóng thích. 

Ăn những món bản thân cảm thấy ngon, thích sẽ giúp lượng dưỡng chất trong máu tăng lên. Khi thấy mệt, có thể ăn một ít socola.