Triệu chứng nhiễm sán lợn và cách phòng ngừa sán lợn

(VOH) - Sau thông tin hàng loạt trẻ em tại Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn , nhiều người tỏ ra vô cùng lo lắng vì không biết triệu chứng nhiễm sán lợn cụ thể thế nào và cách phòng ngừa ra sao.

Triệu chứng nhiễm sán lợn

Bệnh sán lợn (sán dây hay ấu trùng sán dây lợn) được chia làm 2 loại đó là ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 55 tỉnh, thành phố ghi nhận căn bệnh này.

Tùy thuộc vị trí ký sinh của ấu trùng mà gây ra các triệu chứng khác nhau. Ví dụ:

  • Sán ở não gây ra các rối loạn chức năng khác nhau như động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, có những cơn nhức, đau đầu dữ dội, đang đi đột nhiên ngã vật ra đường.
  • Sán ở mắt gây ra các triệu chứng chèn sép sau nhãn cầu như tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị.
  • Sán ở cơ vân, xuất hiện những nang dưới da kích thước từ 0,5 đến 2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực, thường gây máy giật cơ.
  • Bệnh sán dây trưởng thành thường không có biểu hiện triêu chứng rõ rệt, một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược).
  • Những trường hợp nhiều sán, có thể nhìn thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn (thường nhìn thấy trong quần lót khi thay ra vào cuối ngày); xuất hiện đốt sán theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng).

triệu chứng nhiễm sán lợn, cách phòng ngừa sán lợn

Bệnh ấu trùng sán lợn ở người thường do ăn phải trứng sán dây lợn dưới dạng lợn gạo. (Ảnh: Cục Y tế Dự phòng)

Bệnh ấu trùng sán lợn ở người do ăn phải trứng sán dây lợn dưới dạng lợn gạo. Nang ấu trùng sán dây lợn hình bầu dục, màu trắng đục chứa dịch trắng đục, đầu sán với 4 giác bám, 2 vòng móc.

Ấu trùng sán lợn có kích thước 0,3 mm, sau gây nhiễm 6 ngày kích thước lên đến 6-9mm sau gây nhiễm 60 -70 ngày và lên đến 8 - 15 mm sau 6 tháng đến 1 năm nhiễm.

Nang ấu trùng sán lợn ở người dài hơn ở lợn, nang sán tập trung thành chùm như chùm nho, kích thước đến 10 - 20 cm chứa tới 60ml dịch. Nang ấu trùng sán lợn ký sinh dưới màng nhện của não có kích thước tới 10 - 15 cm. Một vật chủ có thể nhiễm tới hàng trăm ấu trùng.

Những người bị bệnh do ăn phải trứng sán dây lợn từ môi trường ngoài thường có ít nang trừ trường hợp ăn phải cả đốt sán.

Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

Khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành từ 2-12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Những người có sán dây lợn trong ruột, khi đốt già rụng do nhu phản nhu động ruột mà đốt sán trào ngược lên dạ dày và lúc này giống như là ăn phải trứng sáng dây lợn với số lượng vô cùng lớn nên số nang ở người cũng rất nhiều, có người không đếm nổi.

Cách phòng ngừa sán lợn

Bệnh sán lợn có nguyên nhân chủ yếu do tập quán ăn uống, do ăn rau sống nhiễm các ấu trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh, rau sống không rửa sạch, không nấu chín), thịt lợn chưa nấu chín. Với sán trưởng thành, nguyên nhân nhiễm thường do người bệnh ăn phải thịt lợn sống hoặc thịt chưa nấu chín có chứa các nang sán (lợn gạo). 

Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,…

Do đó, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh sán dây cũng như ấu trùng sán lợn, người dân cần thay đổi thói quen ăn uống. Cụ thể như sau:

  • Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái, tiết canh, gỏi sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn), không uống nước lã.
  • Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột; sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.
  • Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn.
  • Những trường hợp mắc cần phát hiện và điều trị sớm và xử lý những con sán được tẩy ra, đặc biệt sán dây lợn để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm.