Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa bà Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, và ông Donald Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đang diễn ra rất quyết liệt. Tỷ lệ ủng hộ của hai ứng cử viên này bám sát nhau, hứa hẹn một cuộc bầu cử đầy kịch tính.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ lâu đã được coi là một trong những sự kiện chính trị quan trọng và gay cấn nhất thế giới. Từ giai đoạn thăm dò dư luận cho đến khi chính thức nhậm chức, quá trình bầu cử ở Mỹ rất phức tạp và chia thành nhiều giai đoạn.
Các giai đoạn của cuộc bầu cử
Quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ gồm hai giai đoạn chính: Bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử. Giai đoạn bầu cử sơ bộ diễn ra từ tháng 1 đến tháng 8 của năm bầu cử, nơi các đảng viên lựa chọn ứng cử viên của mình thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ tại từng bang.
Đây là giai đoạn quan trọng giúp xác định ai sẽ đại diện cho mỗi đảng trong cuộc tổng tuyển cử.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc, mỗi đảng công bố liên danh ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống cùng cương lĩnh tranh cử. Các ứng cử viên độc lập và từ các đảng nhỏ hơn cũng phải thu thập chữ ký từ hàng trăm nghìn cử tri để có thể tham gia bầu cử.
Sau khi lựa chọn ứng cử viên, các chiến dịch vận động bắt đầu. Một trong những điểm đặc trưng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, nơi ứng cử viên trình bày quan điểm và chính sách của mình trước công chúng. Những cuộc tranh luận này có vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của cử tri, đặc biệt là những người còn do dự.
Tổng tuyển cử: Hệ thống bầu cử phức tạp
Giai đoạn tổng tuyển cử, diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, là lúc công dân Mỹ trực tiếp bỏ phiếu để chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của hệ thống bầu cử Mỹ là công dân không trực tiếp bầu cho ứng cử viên mà bầu cho các đại cử tri (electors) trong bang của họ. Tổng số đại cử tri là 538 và để giành chiến thắng, ứng cử viên cần ít nhất 270 phiếu đại cử tri.
Việc phân bổ đại cử tri dựa trên quy mô dân số của từng bang. Chẳng hạn, bang California với dân số đông nhất có 55 đại cử tri, trong khi Delaware chỉ có 3.
Hệ thống này dẫn đến những trường hợp thú vị trong lịch sử khi ứng cử viên giành nhiều phiếu phổ thông nhưng lại thua trong cuộc đua đại cử tri. Ví dụ, trong cuộc bầu cử năm 2000, George W. Bush thua Al Gore về số phiếu phổ thông nhưng lại giành chiến thắng nhờ số phiếu đại cử tri.
Cuộc bầu cử Tổng thống 2024 đang tạo ra nhiều tranh luận về tính hợp lý của hệ thống bầu cử đại cử tri. Nhiều người cho rằng hệ thống này không phản ánh đúng ý nguyện của cử tri và có thể dẫn đến khủng hoảng thể chế. Tuy nhiên, những người ủng hộ lập luận rằng nó bảo vệ lợi ích của các bang nhỏ và duy trì sự cân bằng trong chính trị.
Nếu trong trường hợp không có ứng cử viên nào thu được đa số tuyệt đối phiếu đại cử tri (ví dụ như cả hai ứng cử viên đều được 269 phiếu), thì Hạ viện Mỹ sẽ quyết định ai sẽ trở thành Tổng thống, còn Thượng viện chọn Phó Tổng thống.
Trong lịch sử hiện đại Mỹ, trường hợp này mới xảy ra 2 lần, vào năm 1800 khi Hạ viện trực tiếp bầu ra Tổng thống là ông Thomas Jefferson, và vào năm 1824 Hạ viện bầu cho ông John Quincy Adams.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn thu hút sự chú ý từ toàn thế giới. Những diễn biến tại cuộc bầu cử này không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ mà còn tác động đến chính trị toàn cầu.
Sự kịch tính của cuộc chạy đua giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump sẽ là tâm điểm trong những ngày tới, và kết quả sẽ định hình tương lai không chỉ của nước Mỹ mà còn của thế giới.