Chờ...

COP29 đạt thỏa thuận hỗ trợ các nước nghèo 300 tỷ USD chống biến đổi khí hậu, nhưng liệu đã đủ?

VOH - Thỏa thuận tại COP29 cam kết 300 tỷ USD mỗi năm đến 2035 hỗ trợ các nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu, nhưng vấp phải chỉ trích vì chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.

Sáng 24/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijan, gần 200 quốc gia đã thống nhất thông qua một thỏa thuận tài chính quan trọng, trong đó các nước giàu cam kết cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035 nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương đối phó với biến đổi khí hậu.

Khoản tài chính này được kỳ vọng sẽ giúp các nước nghèo chuyển đổi nền kinh tế sang sử dụng năng lượng sạch, đồng thời đối phó với các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu.

Đây là một bước tiến so với mức 100 tỷ USD hiện tại. Tuy nhiên, số tiền cam kết vẫn kém xa so với con số 1.300 tỷ USD mà các nước đang phát triển lâu nay khẳng định là cần thiết để giúp họ đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, trong đó họ là những người góp phần ít nhất gây ra nó.

Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband đánh giá rằng nếu sử dụng hiệu quả, nguồn lực này có thể giảm lượng khí thải tương đương với một tỷ ô tô và bảo vệ gần một tỷ người khỏi các tác động khí hậu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần vượt qua những rào cản từ các quốc gia giàu có truyền thống, đồng thời khuyến khích các nước phát thải lớn như Trung Quốc đóng góp tự nguyện.

Bất chấp những cam kết tài chính đầy tham vọng, thỏa thuận vẫn gây tranh cãi. Phái đoàn Ấn Độ lên tiếng chỉ trích, gọi đây là "ảo ảnh thị giác" và khẳng định thỏa thuận không giải quyết được các thách thức khí hậu toàn cầu.

Bà Tina Stege, phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall, cho biết khoản tiền này "không đủ" nhưng đánh giá đây là một khởi đầu quan trọng cho các hội nghị sắp tới, đặc biệt là COP30 tại khu vực rừng nhiệt đới Amazon của Brazil.

XW7YZFVML5LNTK3QUMPKO2NXOU_jpg
Chủ tịch COP29 phát biểu bế mạc trong phiên họp toàn thể bế mạc hội nghị, ngày 24/11/2024 - Ảnh: REUTERS
75UMRYFW4RK3ZERO7YAOVIZLRY_jpg
Đặc phái viên của Trung Quốc về biến đổi khí hậu Liu Zhenmin trao đổi cùng Trưởng đoàn đàm phán khí hậu của Saudi Arabia Khalid M. Almehaid tại COP29, ngày 24/11/2024 - Ảnh: REUTERS

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận tài chính khí hậu được nhất trí tại Azerbaijan chưa tiến đủ xa, song kêu gọi các quốc gia coi đây là "nền tảng" để tiếp tục xây dựng.

"Tôi đã hy vọng có một kết quả tham vọng hơn, về cả tài chính và mục tiêu giảm thiểu khí thải, nhằm đáp ứng thách thức to lớn mà chúng ta đang phải đối mặt", ông cho biết, nhưng thêm rằng thỏa thuận "phải được tôn trọng đầy đủ và đúng hạn".

Ông Guterres nhấn mạnh rằng tất cả quốc gia cần đưa ra các kế hoạch hành động khí hậu mới trước COP30 để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và đảm bảo sự công bằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Vị Tổng Thư ký LHQ cũng cảnh báo rằng, nếu không có hành động quyết liệt, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng tới 3,1°C vào cuối thế kỷ này, vượt xa mức an toàn là 1,5°C theo Hiệp định Paris.

Phía các quốc gia giàu có cho hay việc mong đợi nhiều hơn từ nguồn tài trợ trực tiếp của chính phủ các nước là không thực tế về mặt chính trị, đặc biệt từ các quốc gia lớn như Mỹ và các nước châu Âu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 và ông là người hoài nghi về cả biến đổi khí hậu lẫn viện trợ nước ngoài. Trong khi đó, một số nước châu Âu đã chứng kiến phản ứng dữ dội của phe cánh hữu chống lại chương trình nghị sự xanh.

Dù còn nhiều hạn chế, thỏa thuận tại COP29 đã đặt nền móng quan trọng cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Hội nghị tiếp theo (COP30) được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt trong việc định hình các kế hoạch hành động quyết liệt hơn nhằm bảo vệ hành tinh và các thế hệ tương lai.