Đại dịch COVID-19 khiến các chất gây nghiện bất hợp pháp tăng giá

(VOH) – Kiểm soát biên giới, lệnh đóng cửa và cắt các chuyến bay do dịch COVID-19 đang khiến các chất gây nghiện trái phép trở nên đắt đỏ và khó kiếm hơn cho toàn thế giới, theo báo cáo của UNODC.

Đại dịch COVID-19 đang có các tác động hỗn hợp đến tình hình sản xuất ma túy ở các khu vực khác nhau và tình hình buôn lậu bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển, nhưng xu hướng chung ở các quốc gia thường xuyên tiêu thụ các chất cấm này dường như tương đối đồng nhất, Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết trong báo cáo về COVID-19.

Cánh đồng cây thuốc phiện ở tỉnh Jalalabad, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Báo cáo nêu rằng “nhiều quốc gia tại nhiều vùng đã báo cáo về sự thiếu hụt tổng thể của nhiều loại thuốc phiện ở cấp độ bán lẻ, cũng như tình trạng tăng giá, giảm độ tinh khiết và do đó người sử dụng ma túy đã chuyển đổi chất (ví dụ, từ heroin sang opioid tổng hợp) và / hoặc ngày càng tiếp cận đến việc điều trị cai nghiện”.

Trong khi các loại thuốc phiện như heroin gần như được vận chuyển hoàn toàn bằng đường bộ, trong đó việc kiểm tra tăng cường tại biên giới có thể làm gián đoạn việc giao hàng, cocain chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển. Một sự gia tăng gần đây trong các vụ bắt giữ buôn lậu heroin ở Ấn Độ Dương có thể cho thấy sự gia tăng việc các lô hàng heroin sẽ đến châu Âu bằng đường biển, UNODC cho biết.

Việc giảm các chuyến bay hiện tại có thể sẽ có tác động "đặc biệt mạnh mẽ" đối với việc buôn lậu ma túy tổng hợp bao gồm methamphetamine đến các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc.

Tại Afghanistan, nhà sản xuất heroin lớn nhất thế giới, vụ thu hoạch thuốc phiện từ tháng 3 đến tháng 6 có thể bị gián đoạn nếu nhân công thu hoạch không dám di chuyển, UNODC cho biết thêm.

Số người sử dụng thuốc phiện tại Afghanistan đã giảm đáng kể tại khu vực các tỉnh phía Tây và Nam, chủ yếu là do việc đóng cửa biên giới với Pakistan. Tuy nhiên, các hộ gia đình có trồng cây thuốc phiện đang chuyển sang hình thức cho vay thuốc phiện, khi tình trạng thất nghiệp diễn ra do khủng hoảng dịch COVID-19.

Báo cáo của UNODC nêu thêm tình hình phức tạp hơn tại các quốc gia Nam Mỹ nơi sản xuất ra cocain. "Việc sản xuất cocain dường như bị cản trở, vì các nhà sản xuất, đặc biệt là ở miền đông Colombia, đang bị thiếu xăng, trước đây được nhập lậu từ Venezuela và rất cần thiết trong sản xuất cocain".

Tại Bolivia, những thách thức gần đây liên quan đến sự lây lan của COVID-19, kết hợp với sự hỗn loạn chính trị vào cuối năm 2019, dường như đang hạn chế khả năng của chính quyền nhà nước trong việc kiểm soát việc trồng cây coca.