Một phụ nữ người Việt bị từ chối nhập cảnh Australia vì mang thịt heo sống

(VOH) - Australia vừa từ chối nhập cảnh và trục xuất một phụ nữ người Việt vì không khai báo hải quan số lượng 10kg gồm thịt heo tươi sống cùng một số hải sản và thịt gia cầm khi đến thành phố Sydney.

Theo thông báo từ cơ quan chức năng Australia, đây là trường hợp trục xuất đầu tiên sau khi nước này siết chặt luật kiểm soát và bảo vệ an toàn cho hệ sinh học Australia.

Vốn được biết đến là một đất nước khắt khe với các quy định về an toàn sinh học, Australia gần đây đã gia tăng cảnh giác để ngăn chặn dịch bệnh tả heo châu Phi tràn vào nước này. Dịch tả heo châu Phi đang hoành hành ở hầu khắp các nước châu Á và cũng là mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp chế biến thịt heo trị giá 5,4 tỷ đô la Australia (3,65 tỷ USD).

Người phụ nữ trong vụ việc được xác định là người Việt Nam, 45 tuổi và bị hải quan ở thành phố Sydney chặn lại khi mang theo 4,6kg thịt heo sống và một số lượng nhỏ thịt chim cút sống, mực sống, trứng sống và tỏi trong hành lý - trích tuyên bố của cơ quan chức năng Australia.

Một phụ nữ người Việt bị từ chối nhập cảnh Australia vì mang thịt heo sống

Số thực phẩm tươi sống không khai báo bị hải quan Australia thu giữ. Ảnh: Chanel News Asia

Bộ trưởng Nông nghiệp Australia Bridget McKenzie cho biết: "Trong nỗ lực ngăn chặn mối nguy hại tiềm tàng từ dịch bệnh gia súc lớn nhất thế giới hiện nay, việc một ai đó cố tình mang thịt heo qua biên giới vào đất nước chúng tôi sẽ góp phần lan rộng dịch bệnh này trên phạm vi toàn thế giới."

Ngoài tiền  phạt, vì số thực phẩm tươi sống không khai báo ở số lượng lớn, cơ quan nhập cảnh Australia cho biết cũng tiến hành lệnh trục xuất với người phụ nữ này, yêu cầu quay trở lại Việt Nam ngay lập tức. Đây là trường hợp đầu tiên bị từ chối nhập cảnh vào Australia sau khi nước này siết chặt lại luật.

Trong vòng 6 tháng qua, Australia đã tăng cường giám sát hàng hóa đến từ các nước Bỉ, Slovakia, Serbia và hầu hết các nước châu Á như một động thái ngăn chặn dịch tả heo châu Phi.

Australia đã phát hiện tổng cộng 27 tấn thực phẩm đã đi vào nước này mà không khai báo; trong đó có đến 15% số thực phẩm này có dấu hiệu của bệnh tả heo châu Phi - theo Margo Andrae, giám đốc điều hành của công ty sản xuất thịt heo lớn nhất Australia.

Dịch bệnh tả heo châu Phi với tỷ lệ heo chết khi mắc bệnh là 100%, tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe con người nhưng có khả năng làm suy giảm nền kinh tế khi heo là một trong những loài gia súc chính được nuôi để lấy thịt. Virus gây bệnh tả heo châu Phi có thể lây lan qua thịt heo tươi sống và sống nhiều ngày ở quần áo của con người. 

Tính đến nay, dịch tả heo châu Phi đã giết chết khoảng 1/4 tổng số heo trên toàn thế giới kể từ khi lan từ châu Âu sang châu Á và bùng phát trở thành dịch suốt một năm qua.

Australia nổi tiếng là một quốc gia có luật lệ nghiêm khắc, đặc biệt đối với việc bảo toàn sự an toàn cho hệ sinh học trong nước, và điều này không có ngoại lệ, kể cả với nhiều nhân vật nổi tiếng. Vào năm 2015, Australia đã cho nam diễn viên nổi tiếng Hollywood là Johnny Depp hai ngày để đưa hai chú chó cưng của mình về Mỹ vì không khai báo chúng cho hải quan.