Nga tiếp tục trục xuất nhiều viên chức ngoại giao từ các nước châu Âu

(VOH) - Ngày 28/4, Nga ra chỉ thị trục xuất 7 quan chức ngoại giao từ các nước Slovakia, Lithuania, Latvia và Estonia như động thái trả đũa việc các đặc phái viên của Nga bị trục xuất trước đó.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu 3 quan chức ngoại giao Slovakia, 2 nhà ngoại giao Lithuania và 2 đặc phái viên Latvia và Estonia trong vòng một tuần lễ phải rời khỏi nước Nga.

Quyết định mới nhất vào ngày 28/4 của Bộ Ngoại giao Nga bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Nga và một quốc gia Trung Âu khác là Cộng hòa Séc.

Theo đó, Cộng hòa Séc đã ra lệnh cho 18 nhân viên đại sứ quán Nga ở thủ đô Prague phải rời khỏi vào tuần trước, sau khi cáo buộc cơ quan tình báo Nga đứng sau vụ nổ tại một kho đạn dược ở miền đông nước này vào năm 2014.

Về phía Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 19/4 đã kiên quyết bác bỏ những cáo buộc của Prague mà ông cho là “khiêu khích và không thiện chí”. Nga sau đó cũng trục xuất 20 nhân viên đại sứ quán Cộng hòa Séc để đáp trả.

Không chỉ vậy, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Séc sau đó đã yêu cầu các nước trong Liên minh châu Âu và NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga nhằm bày tỏ lòng đoàn kết, khiến các nước láng giềng Slovakia, Lithuania, Estonia và Latvia tuyên bố sẽ trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga.

Nga cho rằng 4 nước Slovakia, Lithuania, Latvia và Estonia đã thể hiện “tinh thần đoàn kết giả dối” khi có hành động trên.

Mối quan hệ giữa Moscow và Prague cũng như nhiều nước phương Tây khác hiện được xem là căng thẳng nhất kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX. 

Nga tiếp tục trục xuất nhiều viên chức ngoại giao từ các nước châu Âu
Sau căng thẳng với Cộng hòa Séc, nước Nga tiếp tục trục xuất nhiều viên chức ngoại giao nhiều quốc gia châu Âu khác. Ảnh: TASS

Hai nghi phạm người Nga được Cộng hòa Séc xác định liên quan đến vụ nổ kho đạn dược năm 2014 của nước này có bí danh Ruslan Boshirov và Alexander Petrov. Cả hai được cho đều thuộc Đơn vị ưu tú 29155 của Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU).

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis nhấn mạnh “sự hiện diện của GRU tại Séc là không thể chấp nhận”. Theo ông, các đặc vụ GRU đã cải trang thành nhà buôn vũ khí, đã tiếp cận kho vũ khí và đặt chất nổ ở đó. Vụ nổ năm 2014 đã phá hủy 50 tấn đạn và khiến 2 công nhân của Cộng hòa Séc thiệt mạng.

Không chỉ vậy, cả hai nghi phạm Nga trước đó cũng từng bị Anh xét xử vắng mặt và bị kết án vì âm mưu giết người sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal cùng con gái bằng chất độc thần kinh Novichok ở thành phố Salisbury của Anh vào năm 2018. Về phía Nga, nước này tiếp tục phủ nhận mọi liên quan đến những cáo buộc trên.